Thủ tướng: Nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2023

Thủ tướng cho biết trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; Dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; Dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; Dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân..., kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý 3 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%.

Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Xã hội Số. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm.

Đặc biệt, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phản ứng chính sách chủ động, kịp thời

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo Chính phủ chỉ rõ vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Một số cơ chế, chính sách pháp luật chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất...

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ nêu ra 5 bài học kinh nghiệm trong đó lưu ý kinh nghiệm quan trọng là: Phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, nhạy cảm.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; Dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả Thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; Dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Chính phủ nhận định tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Mục tiêu tiếp theo là quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.

Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách Nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP.

Đoàn kết, năng động, đổi mới

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm.

Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…; thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025.

Chính phủ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, phát triển Kinh tế Số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Thời gian tới, Chính phủ thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường phòng, chống các loại dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Các nhiệm vụ tiếp theo được Chính phủ đề ra là tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Chính phủ tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề, có ý nghĩa quan trọng. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ, kề vai sát cánh và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, toàn thể đồng bào, cử tri cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra của năm 2023 và năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: 'Trong tháng 10 phải có phương án điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế'

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: "Trong tháng 10 phải có phương án điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế"

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục giữ ổn định, không để ảnh hưởng.