Trước thực trạng số ca tự tử ở giới trẻ ngày càng gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật yêu cầu tất cả học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông phải tham gia chương trình giáo dục phòng chống tự tử hàng năm. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo ra mạng lưới an toàn, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi nguy cơ tự tử.
Hàn Quốc đang phải đối mặt với một vấn nạn nhức nhối: tỷ lệ tự tử cao ở người trẻ. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Bình Đẳng Giới và Gia Đình (Hàn Quốc), tỷ lệ tự tử trên 100.000 người trong độ tuổi từ 9 đến 24 là 10,8 - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong do tai nạn (3,9) và ung thư (2,5). Trước tình hình đáng báo động đó, Chính phủ Hàn Quốc đã có những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Cụ thể, Nội các Hàn Quốc vừa thông qua sắc lệnh sửa đổi luật liên quan, bắt buộc học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông cũng như nhân viên tại các cơ quan nhà nước và bệnh viện phải trải qua khóa đào tạo về phòng chống tự tử. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/7.
Bức tượng một người đàn ông đang an ủi người khác, được dựng trên cầu Mapo, Seoul để ngăn chặn các nỗ lực tự tử |
Theo đó, các cơ quan, tổ chức giáo dục phải xây dựng chương trình đào tạo về phòng chống tự tử và tổ chức giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến ít nhất một lần/năm. Kết quả thực hiện sẽ được báo cáo cho Bộ Y tế và Phúc lợi hoặc các bộ ngành khác thuộc Nội các. Các trường đại học, doanh nghiệp tư nhân có từ 30 nhân viên trở lên cũng được khuyến khích tham gia chiến dịch và tận dụng nguồn lực từ Chính phủ.
Chương trình đào tạo bao gồm hai phần chính. Phần một cung cấp kiến thức về tự tử, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và cách thức vượt qua. Phần hai hướng dẫn cách hỗ trợ người có nguy cơ tự tử cao, cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và cách ứng phó hiệu quả.
Ông Lee Young-hoon - quan chức cấp cao thuộc Vụ Sức khỏe Tâm thần (Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc) chia sẻ: "Tôi hy vọng văn hóa tôn trọng sự sống sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông qua chương trình phòng chống tự tử. Những hướng dẫn thiết thực về cách tìm kiếm sự giúp đỡ và cách hỗ trợ người có nguy cơ tự tử cao được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố mạng lưới an toàn, bảo vệ cuộc sống trong xã hội".
Quyết sách này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ (Hàn Quốc) nhằm giảm tỷ lệ tự tử từ 25,2 ca/100.000 người xuống mức trung bình của OECD là 10,6 ca/100.000 người trong vòng 10 năm tới. Kể từ năm 2003 đến nay, Hàn Quốc luôn là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên OECD. Theo thống kê từ Quỹ Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, từ tháng 1 đến tháng 6/2023, gần 7.000 người (Hàn Quốc) đã tự tử, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Học sinh quảng bá số điện thoại đường dây nóng dành cho những người bị trầm cảm trong chiến dịch phòng chống tự tử tại trung tâm Seoul |
Nhiều chuyên gia giáo dục thanh thiếu niên ủng hộ chính sách mới này. Một chuyên viên tư vấn thanh niên tại một tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên do nhà nước tài trợ ở phía Nam Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ với The Korea Times: "Hơn một nửa số người mà tôi đã trò chuyện trong nhiều năm qua cho biết họ đã từng có ý định hoặc đã cố gắng tự tử. Nếu được thực hiện đúng cách, tôi nghĩ rằng các chương trình giáo dục như vậy sẽ cứu sống được rất nhiều người".
Nguồn: The Korea Times
Chấn động: VĐV hàng đầu thế giới qua đời ở tuổi 30 vì tự tử, không lâu sau khi thừa nhận bị trầm cảm
Sự ra đi của nam VĐV này khiến làng thể thao rúng động, người hâm mộ không khỏi xót xa.