Trước diễn biến tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, thậm chí nhiều ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ trong năm nay, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Cơ quan quản lý vừa mừng, vừa lo”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ thông điệp điều hành chính sách tiền tệ: “Nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế đặt ra bài toán với Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”.
Điểm đáng chú ý, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng… Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cùng một số lĩnh vực rủi ro khác để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.
Chính phủ đã có ban hành Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Gói hỗ trợ này được triển khai trong hai năm 2022 và 2023 thông qua hệ thống ngân hàng, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Nếu như thời điểm cuối quý I/2022, biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng được các tổ chức tín dụng áp dụng hầu như không thay đổi so với hồi cuối năm 2020 và năm 2021 thì từ tháng 5/2022 trở lại đây có xu hướng nhích lên.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, thời điểm đầu tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh vào các tháng đầu năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2022, tín dụng toàn ngành tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch. Các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối không còn đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm như giai đoạn trước.
Tổng Hợp