Theo đó, vụ việc bắt nguồn vào ngày 17/3/2024, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường AISVN bất ngờ nhận được thông báo về việc cho học sinh tạm nghỉ trong ngày 18/3 với lý do trường hoạch định lại các chính sách nhằm đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh.
Nhiều phụ huynh cảm thấy bất bình trước thông báo này của trường AISVN nên vào chiều ngày 18/3/2024, hàng chục phụ huynh đã tập trung tại trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an TP.HCM (PC03) và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, phản ánh việc gần 1.400 học sinh bị nhà trường cho nghỉ học ngày 18/3 và nhiều vấn đề khác liên quan đến trường.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam |
Trước đó, bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch hội đồng trường cho biết tình hình tài chính của trường hiện khó khăn, không ổn định. Trường không thể trả lương cho giáo viên và nhân viên trường nhiều tháng nay. Dù trường đã tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính hiện nay nhưng không khả thi. 95% giáo viên không đi dạy vào ngày thứ Hai (18/3/2024) vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán, nên bà Út Em đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 18/3/2024.
Không lâu sau vào khoảng tối ngày 18/3/2024, bà Nguyễn Thị Út Em đã thông báo tới toàn thể phụ huynh rằng trường sẽ mở cửa, tiếp tục dạy học vào ngày 19/3/2024. Tuy nhiên, VTC News đưa tin vào sáng nay 19/3/2024, gần 1.400 học sinh Trường quốc tế AISVN đã trở lại trường, song khi đến lớp, các em lại rơi vào cảnh không có giáo viên giảng dạy. Chưa hết, sáng nay đa phần học sinh được ba mẹ chở đi vì xe buýt đưa đón riêng của trường không đến đón.
Mới đây nhất theo báo Đời sống và Pháp luật, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã gửi thư mời Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đến Sở làm việc trong ngày 19/3/2024.
Thật ra trước đó, trường AISVN đã nhiều lần vấp nhiều lùm xùm liên quan đến vấn đề tài chính, thậm chí vào cuối tháng 9/2023, không ít phụ huynh còn đến tận trường la hét, căng băng rôn để "đòi nợ" bà Nguyễn Thị Út Em.
Bà Nguyễn Thị Út Em bị nhà đầu tư căng băng rôn đòi nợ
Theo Giáo dục và Thời đại, vào ngày 21/9/2023, bà Nguyễn Thị Út Em bị nhiều phụ huynh đến trường căng băng rôn đòi nợ. Được biết, bà Út Em thực hiện rất nhiều hợp đồng vay vốn "tiền tỷ" với nhiều phụ huynh nhưng khi đến hạn trả nợ thì né tránh, không có thiện chí trả nợ.
Cũng trong khoảng thời gian này, theo thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (AIS) đã gia hạn thời gian đáo hạn lô trái phiếu mã AIECH2223001 (tổng mệnh giá lưu hành là 200 tỉ đồng) thêm 6 tháng đến ngày 26/1/2024. Đồng thời lãi suất lô trái phiếu này cũng được điều chỉnh tăng lên 12%/năm.
Lô trái phiếu AIECH2223001 phát hành vào ngày 26/1/2022, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm. Tổng giá trị phát hành 250 tỉ đồng. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS).
Bà Nguyễn Thị Út Em bị nhiều phụ huynh đến trường căng băng rôn đòi nợ (Ảnh: Giáo dục và Thời đại) |
Nhà trường phát thông cáo sau khi bị "đòi nợ"
Chiều 22/9/2023, Nhà trường đã phát thông cáo thông tin rõ lý do vụ việc. Bà Nguyễn Thị Út Em thừa nhận: Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nên có chậm trễ trong việc hoàn trả các khoản vay.
Theo báo Tuổi trẻ, bà Út Em lý giải "khoản nợ học phí" được nhắc đến thực chất là số tiền đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với phụ huynh, thông qua hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả sau 5 đến 15 năm học sinh theo học tại trường. Trường sẽ cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh.
Còn về khó khăn của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, bà Út Em cho biết xuất phát từ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, bà cũng thừa nhận mình thiếu sót trong cách quản trị tài chính với những giải pháp mang tính chất tạm thời, chưa tính toán kỹ lưỡng nên trường đã phải đối mặt với nhiều khó khăn.
"Nhận định rõ được hiện trạng và nguyên nhân, chúng tôi đang đẩy mạnh việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính nhằm đảm bảo được hai mục tiêu: đảm bảo chất lượng giảng dạy và ổn định tài chính lâu dài", bà Út Em nói.
Bà Út Em thừa nhận trường gặp nhiều khó khăn nên có chậm trễ trong việc hoàn trả các khoản vay (Ảnh: Giáo dục và Thời đại) |
Ngoài ra, bà Út Em còn cho biết trường sẽ thiết lập quy trình tiếp nhận thông tin, trao đổi thương lượng với phụ huynh một cách chuyên nghiệp và thỏa đáng nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực và đảm bảo việc học tập giảng dạy cho giáo viên và học sinh. Nhà trường cam kết sẽ thiết lập Ban kiểm soát các hoạt động tài chính với thành phần bao gồm đại điện đại các phụ huynh có chuyên môn và kinh nghiệm về quản trị tài chính để hỗ trợ cũng như đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động tài chính của Nhà trường.
Đặc biệt, trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành sẽ hỗ trợ kiểm tra để làm sáng tỏ tình trạng tài chính và hoạt động của Nhà trường, kết quả kiểm tra sẽ được thông báo minh bạch đến toàn thể phụ huynh.
Trường đòi thu thêm tiền để... vượt khó
Đến ngày 2/10/2023, nhà trường thông báo tới phụ huynh thu bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023 - 2024. Chi phí bao gồm: Phí nâng cấp chương trình học thuật IB (chương trình tú tài quốc tế) toàn phần: 10% trên biểu học phí thường niên; Phí nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất cùng trang thiết bị học tập 30 triệu đồng; Phí dịch vụ xe đưa đón 50% phí còn lại trên biểu phí dịch vụ xe đưa đón (phí này sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đưa đón tận nhà). Số tiền phải đóng bổ sung lên tới hàng chục triệu đồng...
Không lâu sau vào ngày 7/10/2023, trường Quốc tế Mỹ (AISVN) tiếp tục tổ chức cuộc họp giữa Hội đồng trường với khoảng 500 phụ huynh. Trả lời với Tiền Phong, lý do cuộc họp này diễn ra là do sau khi nhà trường thông báo thu thêm các khoản phí bổ sung, nhiều phụ huynh đã phản đối. Họ cho rằng trước đó đã đóng học phí trọn gói cả tỷ đồng nên không phải nộp thêm khoản tiền trên.
Buổi đối thoại giữa Hội đồng trường AISVN với phụ huynh ngày 7/10 (Nguồn: Tiền phong) |
Tại cuộc họp, người đứng đầu trường Quốc tế Mỹ Việt Nam gửi lời xin lỗi các phụ huynh và nhận trách nhiệm khi để xảy ra những lùm xùm liên quan đến việc hợp tác chương trình học phí ưu đãi thông qua "gói đầu tư". Ngoài ra, bà Út Em nói và khẳng định trường vẫn sẽ hoạt động bình thường, không có chuyện phá sản.
Tổng hợp
Nikkei: Mức lương tối thiểu của Nhật Bản thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế
Ngày 15/3, một số nhà tuyển dụng lớn nhất Nhật Bản đã công bố mức tăng lương kỷ lục, một trong những tín hiệu cho thấy các công ty đang thoát dần tư duy giảm phát dẫn đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế trì trệ của nước này thường được gọi là “những thập kỷ mất mát”.