"Tôi muốn tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York" ông Đỗ Anh Dũng từng nói đến nay đã thành "tâm thư"

Ngày 10/12/2021 Tân Hoàng Minh gây rúng động toàn thị trường bất động sản trong nước khi trúng đấu giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 cho lô đất view hồ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM. Sau hơn một tháng 11/01/2022 Ông Đỗ Anh Dũng lại gây hỗn loạn với thông tin hủy cọc bằng tâm thư.

Trong cuộc đấu giá tổ chức vào ngày 10/12/2021, Trí thức trẻ cho biết Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng – đích thân tham gia đấu giá.

Trước đó trong bài phỏng vấn của các báo cho hay, Lô đất có diện tích lớn nhất hơn 10.000 m2, giá trúng thầu của Tân Hoàng Minh là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần với giá khởi điểm. "Mức giá 24.500 tỷ đồng trúng thầu lô đất thực tế không quá cao", ông chủ Tân Hoàng Minh khẳng định. "Bên cạnh đó, tôi nhìn thấy nhiều cái lợi cho Tân Hoàng Minh cũng như cho TPHCM, cho đất nước ta nếu như có được mảnh đất đó, nên tôi quyết tâm sở hữu bằng được!"

Ông Dũng cho biết mức giá trúng thầu này không chỉ là kỷ lục ở Việt Nam, mà không hề rẻ hơn so với cả các khu vực đắt đỏ nhất thế giới như Phố Đông - Thượng Hải, Mahatan- New York hay The Peak - Hong Kong... "Tôi có thể dễ dàng giải các "bài toán" về kinh doanh với lô đất này, khi giá sàn những căn hộ ở đây có thể lên tới 400-500 triệu đồng/m2. Tôi có kế hoạch riêng của mình để đồng tiền bỏ ra đầu tư phải mang lại hiệu quả", ông Dũng nói.

"Nhưng, không chỉ là bài toán kinh doanh cho Tân Hoàng Minh, mà điều tôi nghĩ tới nhiều hơn là lợi ích quốc gia, là thể diện của doanh nhân Việt Nam. Nhiều năm qua, tôi thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi trăn trở với câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ta không cạnh tranh được với họ ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai - tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài? Vì vậy mà tôi quyết tâm phải có được lô đất đẹp này - kể cả bằng một cái giá mà theo nhiều người là "gây sốc"!"

Ông Dũng cho biết, với việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, ông muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường, trong khi thực tế là không hề rẻ vì doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí "bôi trơn", "đi đêm" cùng nhiều chi phí vô hình khác... "Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch. Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra..."

"Như vậy, có thể khẳng định là tôi mua đúng giá chứ không hề phá giá!", ông Dũng nói. "Tôi muốn tất cả tư bản nước ngoài vào đây phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển được. Chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước ta đẹp và giàu mạnh về kinh tế, để không cho bất cứ kẻ thù nào có thể nhòm ngó vào lãnh thổ của chúng ta", ông Dũng chia sẻ thêm trên báo Dân sinh.

Phiên đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) với mức cao nhất lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2 ngay lập tức đã kéo theo “cò’’ đất, “sóng giá đất” nổi lên. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá căn hộ ở Khu đô thị Thủ Thiêm xung quanh khu vực 4 lô đất vừa được đấu giá đều thuộc dạng siêu sang thì nay tiếp tục tăng lên mức giá đắt đỏ. Cụ thể, một dự án có khoảng 1.100 căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì sáng 20/12 ghi nhận giao dịch ở mức 140-150 triệu đồng/m2, cao hơn 20-30 triệu đồng so với tháng trước. Một dự án căn hộ hạng sang khác nằm trên đường Lương Định Của có giá giao dịch từ 150 đến 220 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm dù chưa bàn giao. Với những dự án sắp mở bán, nhiều chủ đầu tư ngưng kế hoạch ra hàng dịp cuối năm, dù chủ đầu tư đã ký hợp đồng môi giới với sàn F1, trả lại tiền cọc cho khách hàng. Dự kiến, giá bán mới tăng 1-1,5 tỷ đồng/căn hộ.

Sau phiên đấu giá, hệ quả dễ thấy nhất là đất nền tiếp tục tăng, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đầu tư quanh khu vực Thủ Thiêm cũng chịu ảnh hưởng. Giá đất tăng lên, thuế sẽ tăng, tiền sử dụng đất theo khung mới áp dụng theo giá thị trường cũng tăng. Doanh nghiệp sẽ chịu thuế cao hơn và xa hơn nữa giá thành căn hộ cũng theo đó tăng, việc sở hữu nhà càng xa tầm tay với người thu nhập thấp.

Liên quan đến việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 của Tân Hoàng Minh, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn nói: "Việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu. Vì mức giá đó là bất hợp lý. Như tôi đã nói từ trước, doanh nghiệp sẽ hủy cọc nhưng có nhiều người tin rằng doanh nghiệp đã xác nhận ký hợp đồng mua bán. Nhưng theo quy định của luật pháp Việt Nam, thời gian cọc tới 90 ngày".

Liên quan đến tác động của việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, ông Thịnh phân tích, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán/mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác. Về hệ luỵ, ông Thịnh nhận định: "Thứ nhất, xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ. Thực ra, trong những ngày vừa qua, những người bán đất Thủ Thiêm hét giá tăng 30,40 đến 60%, đẩy thị trường bất động sản nơi đây vào ngõ cụt. Vì giá bị đẩy lên trên cao, chẳng ai mua, mà cũng không ai bán".

Thứ hai, người mua cũng như người bán đều lắng nghe cả. Người bán xem có bán có hớ không? Người mua càng thấy mình phải lắng nhiều hơn vì tự dưng phải bỏ ra một đống tiền thì lại tăng vậy xem có vô lý không?

Tất nhiên về mặt xã hội, việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. Kết quả đấu giá không chỉ người dân hay nhà đầu tư mà Chính phủ và Nhà nước thấy vô lý. "Chúng ta cần xem xét việc đặt cọc đã ổn chưa? Việc mà xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn", ông Thịnh cho biết.

Tổng Hợp