Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có phản hồi về việc Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) đầu tư vào Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (F88).
Cụ thể, SCIC khẳng định nguồn vốn đầu tư vào F88 được thực hiện bởi Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority). Còn SCIC không đầu tư vào F88.
Về vai trò của VOI đối với khoản đầu tư, SCIC cho biết VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman.
Trước đó, vào ngày 2/3, F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương gần 1.200 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với 2 nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Nguồn vốn mới này, theo kế hoạch, sẽ được đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài, theo Dân trí.
VOI là đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước.
Ngày 6/3 vừa qua, Công an TPHCM đang phối hợp với Công an quận Gò Vấp khám xét trụ sở Công ty F88 nằm trong tòa nhà trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM. Cơ quan chức năng nghi ngờ F88 thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.
F88 ngay sau đó phát thông cáo xác nhận cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự và công ty đang phối hợp cung cấp thông tin.
"F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật", nhà sáng lập Phùng Anh Tuấn chia sẻ.
F88 được thành lập vào năm 2013 và "lớn nhanh như thổi" trong một vài năm gần đây khi mở rộng quy mô ra toàn quốc với hơn 800 cửa hàng, trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước.
Sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng huy động vốn liên tục của nhóm lãnh đạo, bao gồm gọi vốn hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế và dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng từ huy động trái phiếu, theo Zing.
Giai đoạn 2017-2018, F88 từng kêu gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak ngay sau đó.
Trong năm 2022, F88 tiếp tục nhận được các khoản vay tổng cộng 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable Group (London, Anh).
Đáng kể hơn là khả năng huy động vốn trái phiếu liên tục với 32 đợt phát hành đã thực hiện từ năm 2019 đến nay, lãi suất dao động 9-13%/năm.. Hiện công ty vẫn còn 8 lô trái phiếu có hiệu lực với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
(Tổng hợp)