Tại buổi gặp gỡ, lắng nghe chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9 của lãnh đạo TP HCM sáng 17/9, PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Theo ông Dũng, thời gian vừa qua thành phố đã có kết quả tích cực ban đầu trong công tác phòng chống dịch. Ông Dũng đề xuất, TP HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc"; việc "sống chung" với dịch là tất yếu. Bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng chưa đảm bảo dịch sẽ không đến một lần nữa.
"Nếu đánh trận cuối cùng, chúng ta dùng hết sức, còn không phải tính toán sao cho hiệu quả, đừng tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ", ông Dũng.
Ông Dũng cho rằng thành phố hôm nay quét sạch Covid-19, nhưng không thể đảm bảo được tháng sau, năm sau dịch không trở lại.
Ông Dũng nhận định Việt Nam có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng đây không phải cuộc chiến đơn độc mà là cùng với các nước khác.
GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP HCM, đặt vấn đề thành phố cần có biện pháp gì, xử lý như thế nào với F0 sau khi xét nghiệm "thần tốc".
Theo ông Tuấn, xét nghiệm để tách và chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ khu dân cư xanh nhưng việc truy vết phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ giá trị trong 3 ngày. Cần phải thống nhất quan điểm không cần thiết xét nghiệm diện rộng. Nguồn lực lúc này cần tập trung vào việc bao phủ vaccine tới người dân, nhất là người nguy cơ cao, trên 65 tuổi.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP HCM cần xác định "sống chung" và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi.
"Việc mở cửa cần tính toán ưu tiên các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nếu doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm, biện pháp xử lý chỉ liên quan ca mắc đó thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động tất cả", ông Dũng nói..
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định đến giờ phút này, ngành y tế thành phố đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao, nhậnn thức của người dân đã tốt lên. Tuy nhiên, sức chịu đựng của xã hội, nền kinh tế cũng có giới hạn, nếu để dịch kéo dài sẽ nguy hiểm.
TP HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái "bình thường mới", trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Ngoài ra, còn có các chiến lược an sinh, xã hội, truyền thông, giáo dục...
Ngân hàng nhà nước đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội