TP.HCM làm gì để bệnh viện không trở thành nơi lây lan dịch COVID-19?

Từ bài học của ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, ngành Y tế TP.HCM khẩn trương triển khai các biện pháp nghiêm ngặt tránh lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện.

Ngành Y tế TP.HCM khẩn trương rà soát lại quy trình chăm sóc bệnh nhân và hoạt động của nhân viên trong bệnh viện, không để cán bộ y tế, nhân viên phục vụ tại khoa nhiễm đi sang các khoa khác, tránh lây nhiễm chéo khi có ổ dịch…

TP.HCM  tập trung kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng để không vượt quá khả năng của hệ thống y tế; cần đảm bảo sự an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch

Dưới đây là nội dung của “Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch COVID-19:

Tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát để tất cả nhân viên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh giúp bệnh viện không trở thành nơi lây lan dịch COVID-19 là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện và mỗi cán bộ, viên chức tham gia công tác quản lý bệnh viện.

Bố trí nơi sàng lọc ngay tại các cổng vào của bệnh viện, hoạt động 24/7 để kiểm soát chặt chẽ yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch COVID-19 đối với tất cả những người đến bệnh viện (cán bộ, nhân viên, người lao động của bệnh viện, nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ cho bệnh viện như vệ sinh, bảo vệ, người nuôi bệnh, căn tin, xử lý đồ vải, giao hàng, công nhân xây dựng…). Mỗi người phải mang khẩu trang, đo thân nhiệt, vệ sinh tay và được hướng dẫn thực hiện tờ khai y tế trung thực, nội dung tờ khai phải đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Phân công phòng công tác xã hội (có thể phối hợp với các khoa, phòng khác) của bệnh viện chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và kiểm tra thông tin của tờ khai y tế để phát hiện những người có yếu tố nguy cơ. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tờ khai y tế, có cảnh báo đối với các đối tượng có yếu tố nguy cơ giúp phát hiện và chuyển ngay người bệnh đến phòng khám sàng lọc. Cần tổ chức đánh dấu nhận diện người đã qua sàng lọc (nhãn dán).

TP.HCM không để bệnh viên trở thành ổ dịch. 
TP.HCM không để bệnh viên trở thành ổ dịch. 

Tổ chức các buồng khám sàng lọc ngay gần cổng vào hoặc tiền sảnh gần nơi thực hiện tờ khai y tế, ở vị trí thông thoáng, biệt lập với các khoa/phòng khác, không để người bệnh nghi nhiễm COVID-19 đi lại tự do trong khu vực phòng khám và các khu vực khác trong bệnh viện, có thể làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh. Bố trí khu cách ly ở vị trí gần buồng khám sàng lọc, tách biệt với các khoa phòng khác. Tạm dừng việc thăm bệnh tại tất cả các khoa nội trú, mỗi người bệnh chỉ một người nhà chăm sóc và hỗ trợ tinh thần.

Chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly nếu có đủ yếu tố chẩn đoán là trường hợp nghi ngờ, hội chẩn qua điện thoại với đội phản ứng nhanh của các bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển mẫu đến bệnh viện được phép thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Bố trí mỗi người bệnh 1 phòng riêng trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính, chuyển người bệnh đến một trong các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị, bao gồm: BV Bệnh Nhiệt đới (nếu có dấu hiệu suy hô hấp), BV dã chiến Củ Chi hoặc BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (nếu không có dấu hiệu suy hô hấp), BV Nhi đồng thành phố, BV Nhi đồng 2 (nếu là trẻ em). Tiến hành khử khuẩn và vệ sinh phòng khi người bệnh rời khỏi khu cách ly của bệnh viện.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi tham gia khám sàng lọc, nhân viên thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng liên quan và nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh nghi ngờ hay nhiễm COVID-19. Hướng dẫn nhân viên bệnh viện sử dụng đúng các loại phương tiện phòng hộ cá nhân trong từng tình huống cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Quyết định 468/QĐ-BYT ngày 19/2/2020) và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (Rational use of persional protective equipment for Corona virus disease 2019 (COVID-19) - WHO, 27/2/2020).

Thực hiện kỹ thuật lấy máu xét nghiệm tại chỗ, X-quang và siêu âm tại giường. Trong trường hợp không có phương tiện chụp tại giường nhưng cần phải thực hiện kỹ thuật X-quang hoặc kỹ thuật cao như CT-Scan, MRI… cần tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau khi thực hiện kỹ thuật: người bệnh phải mang khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, thực hiện kỹ thuật; nhân viên y tế tham gia kỹ thuật phải mặc đầy đủ phương tiện phòng hộ theo quy định; vệ sinh khử khuẩn thiết bị, môi trường nơi người bệnh di chuyển và khu vực thực hiện kỹ thuật.

Thiết lập buồng cách ly áp lực âm tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị người bệnh nhiễm COVID-19. Ưu tiên sử dụng buồng cách ly áp lực âm đối với các trường hợp dương tính cần hỗ trợ hô hấp hoặc can thiệp phẫu thuật, thủ thuật tạo khí dung. Các buồng áp lực âm trước khi sử dụng phải được nghiệm thu căn cứ các tiêu chí kỹ thuật do Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế ban hành (khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế).

Tạm ngưng tổ chức hội nghị, hội thảo, giao ban tập trung thay bằng hình thức trực tuyến, hội chẩn từ xa. Không tổ chức ăn uống tập trung. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tiếp xúc ≥ 2 mét khi giao tiếp. Thường xuyên cập nhật các thông tin, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và phổ biến cho nhân viên biết và tuân thủ thực hiện những quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Y tế tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Tổ chức thực hiện cách ly nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phổ biến, động viên và triển khai những hành động cụ thể để nhân viên y tế nhận thức rõ về yêu cầu cách ly không ngoài mục đích để các bác sĩ, điều dưỡng, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh có điều kiện tốt nhất để phục hồi sức khỏe đồng thời hạn chế thấp nhất một nguy cơ tiềm ẩn khác, cho dù ở mức thấp nhất, đó là lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.

Bố trí nhân lực làm việc theo ca với nhân sự cố định, các kíp trực không tiếp xúc trực tiếp với nhau, phải giữ khoảng cách khi bàn giao ca bệnh; và xây dựng phương án nhân sự làm việc trong thời gian tối thiểu 3 tháng nhằm dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế. Không cử nhân viên đi công tác trừ trường hợp phục vụ phòng chống dịch, công tác đặc biệt. Huy động bác sĩ các khoa khác hỗ trợ bác sĩ khoa nhiễm để đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe cho bác sĩ ở khoa nhiễm.

Đào tạo và đào tạo lại về kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình tiếp nhận, sàng lọc, thu dung người bệnh nghi ngờ, nhiễm COVID-19 và các nội dung khác có liên quan cho tất cả nhân viên tùy theo từng vị trí công tác. Riêng bác sĩ, điều dưỡng phải được tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút SARS-CoV-2. Tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 của nhân viên y tế, người bệnh và các đối tượng có liên quan.

Khi phát hiện trong khoa có người bị nhiễm hoặc có người tiếp xúc với người bị nhiễm (mà không phải là người bệnh đến khám bệnh), báo cáo ngay Sở Y tế để xem xét cách ly toàn bộ khoa bao gồm cả người bệnh, người nhà, nhân viên y tế; lập danh sách tất cả người tiếp xúc để thực hiện việc cách ly theo quy định. Liên hệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện xét nghiệm tìm vi rút SARS-CoV-2 đối với tất cả những người cách ly. Thực hiện khử khuẩn toàn bộ khoa trước khi hoạt động trở lại.

Khi có kết luận của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố về việc có hiện tượng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh, thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Các khoa có điều trị người bệnh nặng thực hiện cách ly tuyệt đối. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố để thực hiện cách ly. Thực hiện xét nghiệm đối với nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh khi cách ly, xét nghiệm nhân viên y tế ở những khu vực dễ có nguy cơ lây nhiễm và khu điều trị người bệnh nặng.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương