TP.HCM sẽ thu hồi 2 dự án xử lý rác trị giá ngàn tỷ ở Củ Chi nếu không triển khai

Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu, 2 dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn do Công ty Trisun Green Energy Corporation (Úc) và Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) làm chủ đầu tư, nếu không thực hiện, thành phố sẽ thu hồi.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư và các sở ngành liên quan xem xét, đề xuất thu hồi chủ trương thực hiện dự án xử lý rác thải của Công ty CP Tasco và nhà đầu tư Trisun Green Energy Corporation (Úc). Yêu cầu này được đưa ra sau buổi làm việc về chuyên đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt hồi giữa tháng 12/2022.

Dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Trisun Green Energy Corporation rộng 13 ha tại khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Công trình có tổng đầu tư khoảng 520 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng), với công suất tiêu hủy 1.000 tấn rác thải rắn và 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày được cấp phép năm 2017.

TP.HCM sẽ thu hồi 2 dự án xử lý rác trị giá ngàn tỷ ở Củ Chi nếu không triển khai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Còn nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn do Công ty CP Tasco thực hiện ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày. Công trình đã được khởi công cách đây 4 năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng quá trình triển khai chậm trễ do vướng thủ tục.

Đây là các dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tiến độ chậm nên bị xem xét thu hồi. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.

Ngoài hai dự án này, trên địa bàn TP.HCM còn các công trình xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty Vietstar, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sau một năm nhưng đến nay đều chưa xong.

Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc về thủ tục, giúp đẩy nhanh tiến độ. Trường hợp dự án triển khai chậm trễ, không đảm bảo pháp lý thì tham mưu UBND TP.HCM biện pháp chế tài hoặc thu hồi.

Để chuẩn bị phương án dự phòng đảm bảo an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn, lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên Môi trường rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc điều phối lượng chất thải rắn sinh hoạt về bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc trong tình huống khẩn cấp, theo TPO.

Đồng thời, rà soát hiện trạng khu đất tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và theo quy hoạch, đề xuất quy mô, vị trí đầu tư thêm bãi chôn lấp dự phòng theo hình thức đầu tư công.

Hiện mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có khoảng 10.000 tấn rác thải phát sinh, trong đó 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư rất cao, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế…, theo Dân Việt.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

(Tổng hợp)

AN LY