Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM cho biết, đã có thông báo số 139, thống nhất chủ trương báo cáo UBND TPHCM dự thảo công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TPHCM xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn để trình HĐND TPHCM thông qua.
UBND TPHCM sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất trên 30 tỷ đồng hay dưới 30 tỷ đồng), thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá.
Nếu được Chính phủ cho phép thực hiện thì đây là sự thay đổi phương thức định giá đất có tính đột phá khi, được phép áp dụng phương pháp điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể, sẽ kéo giảm thời gian làm thủ tục hành chính để xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án theo các phương pháp định giá đất hiện nay từ trên dưới 3 năm (thậm chí lâu hơn) xuống chỉ còn khoảng 10-15 ngày làm việc.
Chính phủ quy định 5 phương pháp định giá đất, gồm phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013 thì cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể, phải áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp để Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền thường áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất dự án bất động sản, nhà ở thương mại để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, việc áp dụng phương pháp điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể vừa tăng cường thêm trách nhiệm và tính chủ động của HĐND, UBND cấp tỉnh; vừa có căn cứ định lượng giúp đơn giản hoá, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, giúp cho môi trường đầu tư tăng thêm tính minh bạch, thông thoáng; vừa loại trừ được cơ chế xin cho; nhà đầu tư có thể dự đoán được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tính tổng mức đầu tư, đánh giá được tính khả thi/không khả thi của dự án đầu tư để quyết định đầu tư hoặc không đầu tư. Theo HoREA, các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể vẫn còn nhiều bất cập như thời gian thường bị kéo dài trên dưới 3 năm, thậm chí lâu hơn; chưa phù hợp với giá đất thị trường đang giao dịch; làm thất thu ngân sách nhà nước; thị trường bất động sản thiếu minh bạch.
bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 6 năm thực hiện 2 đạo luật này thì cũng cần thiết phải nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung 2 luật này nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Xuất phát từ yêu cầu này, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hồ sơ dự án 2 luật này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023.
PV
(Tổng Hợp)