Trẻ mắc Covid-19 khi thấy có 6 dấu hiệu này cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện

Trẻ mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng vẫn có 4% diễn biến nặng, 0,5% nguy kịch. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy 6 dấu hiệu:

Theo thống kê, chỉ có khoảng 4% trẻ mắc COVID-19 có diễn biến nặng, còn hầu hết là không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, đối với trẻ mắc COVID-19 nặng, bệnh thường diễn biến nhanh, bất thường, vì thế, gia đình cần theo dõi trẻ sát sao, không bỏ qua những biểu hiện bệnh dù nhỏ nhất. 

Ngày 9/11, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em, trong đó chỉ ra 6 dấu hiệu trẻ mắc COVID-19 chuyển biến nặng, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện điều trị:

6 dấu hiệu bao gồm:

- Thở nhanh

- Khó thở, cánh mũi phập phồng

- Rút lõm lồng ngực

- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống

- Tím tái môi đầu chi

- Chỉ số SpO2 < 95%

Ngoài ra, khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho, tiêu chảy, ăn/bú kém… cha mẹ cũng cần liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn

Hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị COVID-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc COVID-19 là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..);

Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân... là những đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19
Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân... là những đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19

 Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp) Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).

Ngoài ra, các đối tượng trẻ có các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng khi mắc COVID-19 là trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Các bệnh lý suy giảm miễn địch bẩm sinh hoặc mắc phải; Bệnh gan - đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống...

Với những trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà, trường hợp điều trị không dùng thuốc, cha mẹ cần lưu ý:

- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.

- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.

- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.

- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.

- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).

- Theo dõi:

+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt.

+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện Việt Nam chưa có có chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vaccine giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.

Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Minh Khang (t/h)

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại khác, không phải Pfizer và Moderna

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại khác, không phải Pfizer và Moderna

"Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine cho độ tuổi này", Thứ trưởng nói.