Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020 để 'cứu tăng trưởng'

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020, để thúc đẩy nền kinh tế đang đối mặt với những rủi ro mới từ sự sụt giảm bất động sản ngày càng trầm trọng.

Vào thứ ba (15/8) PBOC đã hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) một năm đối với một số tổ chức tài chính 0,15 điểm phần trăm xuống 2,5% từ mức 2,65% trước đó. 

Các nhà phân tích cho biết động thái này đã mở ra khả năng cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) của Trung Quốc vào tuần tới. Lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày, vốn được coi là lãi suất chính sách ngắn hạn giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,8%.

Lãi suất MLF đóng vai trò là hướng dẫn cho LPR và các thị trường chủ yếu sử dụng lãi suất chính sách trung hạn làm tiền đề cho bất kỳ thay đổi nào đối với tiêu chuẩn cho vay.

Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020 để cứu 'tăng trưởng' - Ảnh 1.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ hai trong 3 tháng. Ảnh: Bloomberg

Những ngày gần đây, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế tháng 7, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi khá chậm chạp.

Sản xuất công nghiệp tăng 3,7% trong tháng 7, thấp hơn mức ước tính trung bình 4,3% trước đó. Tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại ở mức 2,5%, so với dự báo trung bình là 4%. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định giảm xuống còn 3,4% trong 7 tháng đầu năm so với mức dự báo 3,7%. 

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 5,3% từ mức 5,2% trong tháng Sáu. Tuy nhiên, chính phủ không công bố con số cụ thể về tỷ lệ này. 

Việc cắt giảm lãi suất bất ngờ của ngân hàng trung ương diễn ra sau khi lãi suất MLF giảm 0,1 điểm phần trăm vào tháng 6 và một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng gần đây. Các khoản vay ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7, trong khi giá tiêu dùng và sản xuất suy giảm cùng nhau lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, một dấu hiệu giảm phát trong nền kinh tế.

Xiaojia Zhi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Credit Agricole, nhận định: "Việc hạ lãi suất chủ chốt sớm hơn và mạnh hơn so với dự báo cho thấy Bắc Kinh đang cảm thấy sự cấp thiết của việc nới lỏng chính sách để ổn định tăng trưởng". Zhi dự báo trong những tháng tới PBOC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020 để cứu 'tăng trưởng' - Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp, bán lẻ tháng 7 tăng chậm hơn kỳ vọng

Động thái này của PBOC cho thấy mối lo ngại gia tăng về triển vọng xấu đi, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, nơi các doanh nghiệp lớn hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ và doanh số bán nhà tiếp tục giảm.

Việc giảm lãi suất đã thúc đẩy trái phiếu chính phủ và gây áp lực lên tỷ giá. Lợi tức kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm 0,07 điểm phần trăm xuống 2,56%, mức thấp nhất kể từ năm 2020. 

Đồng nhân dân tệ giao dịch ở đại lục giảm giá phiên thứ 4 liên tiếp, xuống còn 7,2730 tệ đổi 1 USD. Hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái do triển vọng kinh tế ảm đạm, nhân dân tệ sẽ phải chịu thêm nhiều sức ép từ chính sách nới lỏng tiền tệ.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi bổ sung kích cầu tài chính và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Một cố vấn của ngân hàng trung ương đã kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để giúp thúc đẩy chi tiêu.

Ngoài hạ lãi suất, PBOC cũng bơm thêm 401 tỷ nhân dân tệ (tương đương 55 tỷ USD) qua các khoản vay trung hạn.

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC