Ấn Độ trước đây là thị trường xuất khẩu chính của toàn bộ lượng trà của Nepal thì giờ đây, Trung Quốc đang nổi lên như một người mua lớn hơn đối với hàng hóa của Kathmandu. Kể từ khi biên giới Tây Tạng được mở cửa trở lại và thương mại miễn thuế được mở rộng vào năm 2022, thương mại trà của Nepal với Trung Quốc đã tăng vọt.
Theo dữ liệu từ Bộ thương mại Nepal, lượng trà bán ra trong năm tài chính kết thúc vào năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi lên 15,7 tấn so với 7,3 tấn trong năm 2019 - 2020, một năm trước khi chính sách không COVID của Trung Quốc đóng băng thương mại giữa Nepal và Trung Quốc. Các thương nhân cho biết, doanh số bán hàng đang có xu hướng tăng trở lại trong năm nay.
Nishchal Banskota, người sáng lập kiêm chủ sở hữu của Nepal Tea Collective cho biết: "Nepal có cơ hội tại một thị trường sinh lợi mới là Trung Quốc".
Ngành công nghiệp trà của Nepal và Ấn Độ đã gắn bó với nhau trong sáu thập kỷ. Ấn Độ là nước sản xuất trà đen lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm là 1,3 triệu tấn. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (UN FAO) và OECD, nước này cũng nhập phần lớn sản lượng của Nepal, với 90% sản lượng trà của Nepal được xuất khẩu sang Ấn Độ vào năm 2023.
"Lá trà Nepal theo truyền thống thường được hái ở Nepal và sau đó được chế biến ở Ấn Độ, nơi đã có nhà máy và máy móc", Joydeep Phukan, Thư ký của Hiệp hội Nghiên cứu Trà, một tổ chức Ấn Độ hỗ trợ sản xuất trà toàn cầu, cho biết.
Nhưng bối cảnh kinh tế đã thay đổi khi các khách hàng Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp đang phát triển của Nepal và chi phí của các nhà sản xuất trà tại Darjeeling, Ấn Độ, đã tăng vọt.
Theo UN FAO, các nhà sản xuất trà đen của Trung Quốc chủ yếu phục vụ thị trường trà nội địa rộng lớn, với chỉ 7% sản phẩm được xuất khẩu. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, các thương nhân đang tìm kiếm nguồn trà xanh và đen mới được trồng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, trong đó có Nepal.
"Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp máy móc sản xuất cho ngành trà ở Nepal. Cùng với máy pha trà, các nhà sản xuất trà ở Nepal đang được đào tạo để pha trà kiểu Trung Quốc", Phukan nói thêm.
Trong khi chi phí đối với nông dân Nepal đã giảm xuống thì ở Ấn Độ lại tăng lên. Luật lao động mạnh mẽ hơn của Ấn Độ đã yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản phải trả lương công bằng hơn cho công nhân và biến đổi khí hậu đã bắt đầu làm giảm sản lượng trà nói chung với tốc độ nhanh hơn so với vùng núi Nepal.
Vào năm 2023, các cơ sở trà ở Darjeeling đang bị thu hẹp đã sản xuất 6.180 tấn trà Darjeeling, giảm 11% so với năm trước.
Sparsh Agarwal của Vườn trà Selim Hill, một cơ sở trồng trà ở Darjeeling, ước tính chi phí sản xuất ở Nepal chỉ bằng 1/3 chi phí ở Ấn Độ do yêu cầu lao động khác nhau. Ông nói: "Các nhà sản xuất trà Darjeeling không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất trà Nepal."
Cạnh tranh lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch, khi một cuộc đình công của công nhân ở Darjeeling để lại khoảng trống trên thị trường và việc Trung Quốc đóng cửa biên giới đã đẩy nông dân trồng trà của Nepal và Ấn Độ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Dưới áp lực của những người mua lớn trong việc giữ giá thấp và duy trì nguồn cung, những người bán trà Ấn Độ bắt đầu pha trộn loại trà Nepal rẻ hơn với trà từ Darjeeling, càng gây thêm căng thẳng cho các khu đất đang hấp hối của Darjeeling.
Vivek Lochan, một người bán cả trà Ấn Độ và Nepal cho biết: "Một cách thận trọng, tôi có thể nói rằng 25% trà Darjeeling được bán ngày hôm nay thực sự là hỗn hợp lá từ Nepal và Darjeeling".
Việc sử dụng lá trà của Nepal đã thúc đẩy các thành viên quốc hội Ấn Độ kêu gọi lệnh cấm nhập khẩu trà của Nepal vào năm 2022. Hội đồng Trà Ấn Độ, Cơ quan chính phủ phụ trách ngành trà, cũng ban hành lệnh cấm pha trộn các loại trà vào năm 2022 trong một thời gian ngắn.
Những người bán trà nói rằng nhu cầu chè tăng từ Trung Quốc sẽ làm giảm bớt căng thẳng giữa những người trồng trà ở Darjeeling và Nepal.
Vào tháng 4/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng trà sẽ là một mối liên kết quan trọng kết nối Trung Quốc và Nepal, sau khi Kathmandu và Bắc Kinh mở rộng các hiệp định thương mại tự do của họ. Thương mại dự kiến sẽ được nâng cao hơn nữa với việc mở một con đường mới nối các vùng trồng trà ở phía tây Nepal với Tây Tạng trong năm nay.
Theo dữ liệu từ Bộ thương mại Nepal, người mua Trung Quốc cũng đang trả nhiều tiền hơn cho lá trà của Nepal. Tính đến thời điểm hiện tại, người mua Trung Quốc đang trả trung bình 1.600 rupee Nepal/kg, so với 200 rupee Nepal/kg của người mua Ấn Độ.
(Nguồn: FT)