Sau khi Donald Trump có những lời đe doạ áp mức thuế mới lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, vào sáng 5/8, Trung Quốc cũng đã có những động thái trả đũa cứng rắn, bằng cách khiến đồng Nhân dân tệ yếu nhất trong một thập kỷ qua và yêu cầu các công ty nhà nước đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, theo Bloomberg.
Các động thái đó nhắm thẳng vào Donald Trump, người đã chỉ trích Băc Kinh vì quản lý tiền tệ một cách không công bằng và không giữ lời hứa mua thêm các loại nông sản của Mỹ.
Chứng khoán và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi giảm mạnh vì lo ngại một cuộc xung đột kéo dài giữa 2 siêu cường ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, trong khi các tài sản trú ẩn an toàn bao gồm đồng yên Nhật, trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục cắt lãi suất trong thời gian tới.
"Đây là một tình huống tồi tệ", Michael Every, người đứng đầu nghiên cứu thị trường tài chính châu Á tại Rabobank Hồng Kông cho biết.
Trung Quốc đã trả đũa các đe doạ áp thuế của Donald Trump. |
Ông Trump tuần trước đã đề xuất áp thêm 10% thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc kể từ ngày 1/9, một động thái bất ngờ làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một thời gian ngắn hai bên bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Các quan chức của Trung Quốc đã choáng váng trước thông báo của Trump, theo Bloomberg.
Lời đe doạ áp thuế quan của Donald Trump xảy ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các thành viên cấp cao đang có kỳ nghỉ hè ở Bắc Đới Hà, một thị trấn ven biển cách Bắc Kinh 3 giờ lái xe. Tập Cận Bình đã phải đối mặt với áp lực trong nhiều tuần để có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại , đặc biệt là sau khi tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei bị Mỹ cấm vận.
Các bài xã luận trên các tờ báo nhà nước Trung Quốc đề nghị Tập Cận Bình sẽ từ chối bất kỳ thoả thuận nào giữ nguyên thuế quan trừng phạt hoặc buộc Trung Quốc phải nhựng bộ về các vấn đề kinh tế.
Các bài báo nhấn mạnh rằng ông Trump không thể tin tưởng, và Trung Quốc nên chờ đợi để đàm phán với một ứng cử viên của đảng Dân chủ tiếp theo - những người chỉ trích việc sử dụng thuế quan trong cuộc chiến thương mại. Việc ngừng mua nông sản có thể làm ảnh hưởng đến Trump trước cuộc bầu cử năm 2020.
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương sáng nay đi xuống phiên thứ 7 liên tiếp, giảm 1,46% xuống đáy 2 tháng. Đây là đợt mất điểm dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2018.
Tại các thị trường lớn trong khu vực, mức giảm ngày càng tăng sau khi mở cửa. Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện mất 2%, xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 6. Kospi (Hàn Quốc) giảm gần 2% xuống đáy 2,5 năm. Còn thị trường Australia đã đỏ lửa phiên thứ 4 liên tiếp.Chứng khoán Trung Quốc vừa mở cửa cũng đi xuống. Shanghai Composite mất 0,84%. Hang Seng Index giảm tới 2,26% do cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu Hong Kong. Biểu tình đã gây gián đoạn về giao thông và hoạt động tại nhiều khu vực.
Tỷ giá Nhân dân tệ chạm đáy hơn 1 thập kỷ. |
Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mở cửa phiên sáng nay tại 6,9999 CNY đổi một USD. Sau đó, đồng tiền này có thời điểm xuống 7,024 CNY một USD. Đây là lần đầu tiên CNY xuống dưới mốc quan trọng 7 CNY một USD trong 11 năm qua.
Đà giảm xuất hiện sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày cho hôm nay tại 6,9225 CNY một USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Giá CNY trên thị trường quốc tế cũng lao dốc. Sáng nay, đồng tiền này có thời điểm xuống thấp kỷ lục tại 7,1094 CNY đổi một USD.
"Tin tức CNY phá mốc 7 gây sức ép lên các ngành nhạy cảm với tỷ giá, như hàng không", Gerry Alfonso - Giám đốc Shenwan Hongyuan Securities giải thích.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đổ lỗi cho sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ là do chủ nghĩa bảo hộ và mức thuế quan bổ sung đối với hàng hoá Trung Quốc.
Bằng cách liên kết sự mất giá của hôm nay với mối đe dọa thuế quan, PBOC "đã vũ khí hóa hiệu quả tỷ giá hối đoái", Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics ở Singapore cho biết. "Việc họ đã ngừng bảo vệ 7 CNY/USD cho thấy rằng họ có tất cả trừ hy vọng cho một thỏa thuận thương mại."
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa