Trung Quốc tuyên bố Philippines đồng ý gác lại tranh chấp ở Biển Đông

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte đã đạt được "đồng thuận quan trọng" về gác lại tranh chấp ở Biển Đông để tăng cường đối thoại, hợp tác.

Tại hội thảo quan hệ song phương hôm 25/9, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte đã đạt được "đồng thuận quan trọng" về việc "gạt tranh chấp trên biển sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại, hợp tác".

Trước đó, Tổng thống Duterte cam kết trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9 rằng Manila sẽ duy trì phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016.

Ông Duterte nói: "Phán quyết hiện là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ muốn buông lỏng hoặc không thừa nhận. Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực chống lại phán quyết này".

  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.

Đại sứ Bắc Kinh nói rằng không chấp nhận và không công nhận phán quyết của PCA. Ông cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ là "viên sỏi nhỏ" trong mối quan hệ hai nước mà cả hai không được vấp phải "viên sỏi" đó. Đồng thời nhấn mạnh, số hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án Philippines đã tăng "26,5% trong nửa đầu năm".

Ngoại trưởng Locsin cũng nói rằng Trung Quốc không công nhận phán quyết, nếu không hai bên đã không có tranh chấp. Tuy nhiên Harry Roque, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, lại nói rằng thỏa thuận đã được thực hiện để "xúc tiến các vấn đề có thể thực hiện, gồm thương mại và đầu tư" vì hai bên "không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ lâu". 

Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio cho rằng Duterte bị "dắt mũi" đồng thời "khẳng định phán quyết trên tất cả các mặt" vì nó "vẫn có giá trị và có thể thực thi"

Carpio nói: "Duterte gác lại phán quyết để đảm bảo nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD Bắc Kinh cam kết, chưa đến 5% trở thành hiện thực, trong khi nhiệm kỳ của Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm. Với đại dịch và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, không thể mong đợi gì hơn nữa. Không có du khách Trung Quốc vì đại dịch. Hộ chiếu của công nhân làm việc tại các sòng bạc ở Philippines đang bị chính phủ Trung Quốc hủy bỏ. Duterte không thể mong đợi gì hơn từ Trung Quốc".

Carpio cảnh báo Philippines nên "nhấn mạnh" rằng phán quyết phải được đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử do ASEAN soạn thảo. "Nếu không, Trung Quốc sẽ dùng bộ quy tắc để chống lại chúng ta", Carpio cho hay.

PCA ngày 12/7/2016 ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". PCA cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này. Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines. Trung Quốc đã cản trở quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên các phán quyết này đều bị Trung Quốc bác bỏ. Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển, thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông.

Chiều 17/9 ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định "Việt Nam nhất quán lập trường coi Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Lập trường nhất quán và xuyên suốt đó đã được bày tỏ nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả ở Liên Hợp Quốc, được nhiều quốc gia tôn trọng, ủng hộ".

Thanh Mai

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc là bước đi rất quan trọng và tích cực.