TTCK cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định

Nhìn nhận về việc thị trường chứng khoán (TTCK) đang trong giai đoạn biến động mạnh và điều chỉnh giảm sâu kể từ cuối tháng 3 đến nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tiếp nối năm 2021, quý đầu năm 2022, TTCK cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định.

Đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh của TTCK Việt Nam dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan. Theo đó, trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm.

Cùng với đó, tình hình xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh,… Điều đó đã tác động tới nhiều TTCK trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng.

Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, TTCK còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên TTCK và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Do vậy, TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới, chẳng hạn như trong phiên giảm mạnh (hơn 68 điểm) ngày 25/4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu.

Bên cạnh đó, áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ đã khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm.

Liên quan đến hành động quyết liệt nhằm thanh lọc và xử lý nghiêm các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững, nên thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho TTCK trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

"Việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là nỗ lực để thị trường tăng trưởng minh bạch, bền vững hơn. Trong mọi quá trình phát triển, luôn cần những thay đổi, những bước chuyển để hoàn thiện hơn và với TTCK cũng vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sau những chặng đường phát triển cũng cần những hành động để "gạn đục, khơi trong"", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo tư lệnh Tài chính, TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên đó các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.

Sau khi lập đỉnh mới, tính đến cuối quý I/2022, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Thị trường mới chịu áp lực điều chỉnh giảm và biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 25/4 tại 1.310,92 điểm, như vậy đã điều chỉnh giảm khoảng hơn 200 điểm so với cuối tháng 3.

Tổng Hợp