Từ chuyện Quỳnh Lương làm mẹ lần 2: Đây là kiểu "đùa vui" độc hại nhất mà nhiều người lớn vô duyên từng làm

Rất nhiều người lớn vô duyên nhưng nghĩ mình hài hước!

 01.

"Mình nghĩ rằng lúc đó thực sự bị bỏ rơi! Mình rất sợ hãi và bất lực" - Một đồng nghiệp của tôi từng kể, trong một lần hai đứa ngồi tâm sự về chuyện nuôi dạy con. Khi còn nhỏ, bạn tôi từng làm vỡ một chiếc bát, mẹ bảo tự dọn dẹp, nhưng bạn không dám chạm vào những mảnh vỡ đó. Thế rồi, bạn bị mẹ đánh.

Thực ra, bị đánh là chuyện rất bình thường, không có gì đáng sợ cả. Điều đáng sợ nhất là lời người mẹ nói: "Nếu con cứ tiếp tục như thế này, ba mẹ sẽ đẻ thêm đứa nữa và sẽ không có ai chăm sóc con". Sau đó, bạn tôi bị phạt đứng ngoài nhà, với ánh đèn nhấp nháy trong hành lang tối tăm. Cô vô cùng sợ hãi, sợ rằng mẹ thực sự không thương mình nữa. Vậy thì cô phải làm sao đây?

Từ đó cô ấy trở nên nhút nhát và nhạy cảm hơn. Bạn tôi thường hỏi mẹ khi thấy mẹ tức giận: "Mẹ ơi, mẹ không cần con nữa sao?". Người mẹ chán ngắt khi nghe câu hỏi này, và mỗi lần như vậy, bà đều nói: "Đi đi, mẹ không có thời gian nói chuyện với con". Khi thực sự có một người em trai trong gia đình, bạn tôi không hề có chút thiện cảm nào với cậu bé. Thay vào đó, cô nhớ lại lời mẹ đã nói, và luôn lén véo em trai mình sau lưng mẹ.

Thực ra, cô không muốn làm như vậy, nhưng không thể kiểm soát được bản thân. Chính vì những lời nói của cha mẹ mà bạn tôi mang trong mình cái bóng tâm lý "bị bỏ rơi" và giày vò bản thân cho đến tận ngày nay.

Chúng ta biết rằng cha mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái mình, nhưng họ thường cố gắng bắt con vâng lời bằng cách đe dọa. Thêm nữa, không chỉ cha mẹ, có những người lớn vô duyên khác, chỉ chực chờ có cơ hội để dọa dẫm, trêu đùa đứa trẻ. Câu những đứa trẻ tội nghiệp hay nghe nhất là "Có em bé, mẹ sẽ cho con ra rìa".

Với người lớn là câu nói vui, giận dỗi thoáng qua, nhưng trẻ em thiếu hiểu biết thường không phân biệt được giữa hành vi hời hợt và động cơ bên trong. Trẻ con đôi khi tin vào một điều gì đó, đặc biệt là khi nhiều người nói đi nói lại. Chúng thường cảm nhận cảm xúc của người khác thông qua biểu cảm khuôn mặt và hành vi bên ngoài, và gặp khó khăn trong việc hiểu một số trải nghiệm nội tâm phức tạp của người lớn. Chúng sẽ coi lời nói đó là đúng.

02.

Mới đây, tin Quỳnh Lương mang thai con thứ 2 cùng bạn trai thiếu gia Tiến Phát được công khai khiến tôi không khỏi nhớ lại câu chuyện của bạn mình. Một người phụ nữ mang trong mình mầm sống mới, những tưởng chỉ nhận toàn lời chúc phúc thì đâu đó, vẫn có những bình luận kém duyên, đến nỗi nữ diễn viên phải trực tiếp lên tiếng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, bé Gấu - con trai lớn của Quỳnh Lương sẽ bị "ra rìa" vì mẹ có em bé. Trước ý kiến này, nữ diễn viên cho biết đối với cô, con trai đầu vẫn đặc biệt hơn. "Cả thanh xuân lẫn tuổi trẻ của mình là bạn Gấu, Gấu cũng đồng hành với mình từ lúc không có gì đến hiện tại", sau đó người đẹp chia sẻ con trai lớn đã thiệt thòi, hy sinh nhiều.

"Không còn là duy nhất nhưng lúc nào cũng là đặc biệt nhất. Ai nói ra rìa chứ cháu vẫn chiếm vị trí đặc biệt nhất không bao giờ có thể thay đổi. Mãi iu", Quỳnh Lương nói.

Quỳnh Lương 
Quỳnh Lương 

Quanh chúng ta, có bao nhiêu "khán giả" quen thuộc như thế. Rất nhiều người lớn vô duyên nhưng nghĩ mình hài hước như thế.

Việc giáo dục con cái và dọa cho con hốt hoảng, ám ảnh rất khác nhau. Đáng tiếc, không phải người lớn nào cũng nhìn ra ranh giới của những khái niệm đó. Họ lấy sự đau khổ của trẻ làm chuyện vui, nghĩ mình dạy con có hiệu quả, nhưng không biết sự vô ý vô tâm của họ, những câu đùa vô duyên của họ là nguyên nhân của những xáo trộn tinh thần, đôi khi cả trầm cảm của đứa trẻ.

03.

Có một loại bạo lực không để lại sẹo nhưng có thể để lại bóng tối lâu dài trong trái tim và thậm chí hủy hoại cuộc đời một người. Đó là bạo lực bằng lời nói. Sự bạo lực này nghiêm trọng và khủng khiếp hơn những vết sẹo bên ngoài. 

Từ câu đùa "cho ra rìa" của người lớn, cho đến hành động thiên vị khi có con thứ 2, đều có thể là những "vết dao" đâm vào tim con, khiến con tổn thương.

4 năm trước, một bức thư máy bay giấy từ một cô bé có tên H.A ở một chung cư ở Hà Nội từng gây "bão" dư luận. Những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng, câu từ mạch lạc tuy có lúc lẫn lộn xưng hô mình/con nhưng chứng tỏ bé khá hiểu chuyện và học hành khá tốt. Tuy vậy, trong mắt bố mẹ, bé vẫn được xem là đứa trẻ "học dốt", coi bé như "osin", tất cả chỉ bởi sự xuất hiện của "một đứa không biết từ đâu bay ra".

"Con chào ai đó đã nhặt được thư. Con là con của bố mẹ con. Nếu cô chú nào chưa làm bố mẹ thì đưa cho người đang làm mẹ.

Con lúc 2 tuổi, 3 và 4 tuổi, bố mẹ đang rất yêu thương con thì tự dưng lại có một đứa không biết từ đâu bay ra mà lại cướp bố mẹ của con. Từ ngày có nó bố mẹ luôn coi con như là osin, cái gì cũng nhờ. Nó cấu con thì bố mẹ con lại bảo nó cấu lại. Con ghét nó. Nó không nên có mặt trong gia đình con. Ai cũng yêu quý nó.

Bố mẹ lúc nào cũng chê mình học dốt, còn luôn khen em là học giỏi, lớn lên đi làm bác sĩ. Còn chị con thì học rõ dốt thì cho đi làm ăn mày. Con học dốt thật sao? Con được làm: Chi đội trưởng, liên đội phó, lớp phó, lớp trưởng thể dục… Vậy mà bố con cứ bảo học dốt thế mà cô cho làm. Con học xong tất cả các môn cũng học đến 10h rồi, bố con vẫn bảo là học nhanh thế.

Vì vậy, nếu ai có 2 con thì xin cô chú hãy đối tốt với con cả. Và con thì sẽ mãi là osin thôi".

Những đứa trẻ đang là trung tâm của cuộc sống gia đình bỗng bị đẩy "ra rìa" khi bố mẹ có thêm em bé sẽ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng nếu nghĩ mình bị bỏ rơi. Nhiều câu chuyện đau lòng từ việc ghen tỵ, tỵ nạnh với anh chị em ruột cũng chính từ cách cư xử thiếu tế nhị của các bậc phụ huynh. Có bé không phản kháng, không nói ra nhưng điều đó có thể để lại những vết thương khó hàn gắn trong tâm hồn non nớt của chúng.

Trên thực tế, cảm giác an toàn chính là điểm khởi đầu cao nhất đối với trẻ em.

Cảm giác an toàn của mỗi người sẽ khác nhau.

Đối với tôi, đó là cảm giác khi tôi còn là một đứa trẻ, ngồi một mình trên chiếc ghế nhỏ ở cửa vào lúc chạng vạng chờ đợi cha mẹ về nhà. Ngay cả khi ai đó nói rằng cha mẹ sẽ không trở về, tôi vẫn tin chắc rằng họ sẽ xuất hiện sau cánh cửa nhà với nụ cười bao dung thường thấy.

Đó là cảm giác tin tưởng luôn có cha mẹ là hậu phương, cho phép tôi giữ được bình tĩnh và cống hiến hết mình cho công việc và cuộc sống hiện tại.

Nói một cách đơn giản, cảm giác an toàn là cảm giác ổn định và kiểm soát. Cảm giác an toàn là màu sắc cơ bản của cuộc sống và nó ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái tồn tại của mỗi người.

Trẻ em có cảm giác an toàn ổn định sẽ có tiếng nói vững chắc trong tim:

"Tôi đáng yêu và được yêu thương;

Sự tồn tại của tôi rất có giá trị;

Tôi có khả năng vượt qua khó khăn và giải quyết vấn đề;

Tôi tin tưởng vào mọi phán đoán của mình"...

Một đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn sẽ mất niềm tin vào môi trường, vào mọi người, luôn cảm thấy thế giới bất ổn, lo lắng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra trong khoảnh khắc tiếp theo, lo lắng những người gắn bó sẽ sớm rời xa. Do đó, chúng luôn ở trạng thái lo lắng, buồn tẻ, không có hứng thú khám phá hay vui chơi. Trẻ có biểu cảm căng thẳng và thiếu nụ cười tươi đặc trưng mà một đứa trẻ nên có.

Có câu: Người hạnh phúc được chữa lành bằng tuổi thơ trong suốt cuộc đời; người bất hạnh lại dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Chúng ta là gia đình đầu tiên của trẻ em, và cách chúng ta đối xử với trẻ em sẽ quyết định bối cảnh tuổi thơ của chúng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ là mang lại cho con cái một tuổi thơ an toàn.

Nếu có ai đó đùa vui độc hại "sẽ cho con mình ra rìa", đừng e ngại, đừng sợ mất lòng. Hãy như Quỳnh Lương, đáp trả một cách văn minh, kiên quyết. Bởi người đã vô duyên thì càng cả nể người ta càng lấn tới. Có những khi, chúng ta không cần phải im lặng nhận phần thiệt về mình hay con cái mình.

Hiểu Đan

5 điều cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua khi dạy con dùng Internet

5 điều cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua khi dạy con dùng Internet

Trong thời đại công nghệ số, Internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em. Trang bị cho trẻ kỹ năng sử dụng Internet an toàn.

Đọc nhiều nhất