Chiều 19/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ Tuyên dương Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Tiêu biểu năm 2023.
Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng Sư phạm trong cả nước.
Đồng thời, chương trình nhằm tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, nhân rộng gương sáng nhà giáo điển hình tiên tiến, có nhiều cống hiến và đóng góp trong toàn ngành; động viên đội ngũ nhà giáo vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen cho các giảng viên, cán bộ quản lý tiêu biểu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; là sự tận tụy, thầm lặng cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện, xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới đại học, trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, cụ thể là triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần phải đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất.
Bộ trưởng cho rằng đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, tích lũy kiến thức, kỹ năng mới tiến bộ hơn để trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình, giáo dục vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó.
Chia sẻ với các thầy cô giáo được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy cô tiếp tục lan tỏa những gì mình đã làm được, đã tích lũy được từ kinh nghiệm và thực tiễn nghề nghiệp của bản thân.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Những “người đưa đò” đặc biệt
Cô Lê Thị Thanh Hồng cho biết, động lực để cô gắn bó với công việc chính là khi nhìn thấy trẻ có sự thay đổi dù chỉ là những cử chỉ rất nhỏ như biết khoanh tay chào bố mẹ, biết tự cầm thìa xúc cơm...
Bộ trưởng nhấn mạnh chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm, trước hết với nhà giáo, chúng ta cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để khẳng định được giá trị bền vững, tốt đẹp của nghề nghiệp lan tỏa cho xã hội.
Đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 chia sẻ tại lễ tuyên dương, Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thành Nhân, giảng viên cao cấp khoa Toán-Tin, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng một trong những điều đặc biệt nhất của nghề giáo chính là niềm vui và động lực thường không đến từ thành tích của bản thân, mà đến từ thành công, sự trưởng thành của các thế hệ học trò.
Trong những năm đầu làm nghề, với thu nhập khiêm tốn, thầy Nguyễn Thành Nhân cho biết, không khỏi có chút chạnh lòng và lo nghĩ về cuộc sống. Nhưng khi nhận được những tin tốt về thành công của nhiều học trò phương xa, cảm giác vui mừng, hạnh phúc vỡ òa và tự hào, như thể đó là thành công của chính mình; như thể tự mình được viết tiếp những giấc mơ vẫn còn dang dở.
Với thầy Nguyễn Thành Nhân, được tham dự Lễ Tuyên dương nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là niềm vui bất ngờ và vinh dự.
“Bất ngờ bởi những đóng góp của mình còn quá nhỏ bé so với những hy sinh thầm lặng của nhiều thầy cô giáo trong ngành, so với sự cống hiến của những thầy cô đã từng dạy dỗ mình trưởng thành. Các thầy cô luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức, về sự tận tụy và lòng yêu nghề, luôn hết lòng với các thế hệ học trò. Nhờ những ký ức đẹp của tuổi thơ về thầy cô giáo của mình, tôi đã yêu mến, rồi lựa chọn và gắn bó với nghề giáo trong nhiều năm qua. Những đóng góp hôm nay cho sự nghiệp giáo dục có thể thay cho một lời tri ân thiết thực và chân thành nhất của tôi đối với những người thầy của mình," thầy Nguyễn Thành Nhân tâm sự.
Tại Lễ Tuyên dương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng Bằng khen 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu trên cả nước, có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.
Trước đó, đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ; vào viếng Lăng viếng Bác và báo công dâng Người./.
Một chị đại và một chị đẹp vắng mặt khó hiểu trong phần tâm sự của “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”
Có quá nhiều bất ổn liên quan đến Hồng Nhung - Bảo Anh - Trang Pháp trong chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng".