Những nhà giáo nhiệt huyết với sự nghiệp 'trồng người'

Những nhà giáo vừa được ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội tuyên dương chia sẻ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội vừa tuyên dương nhiều điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu cống hiến thầm lặng, miệt mài cho sự nghiệp 'trồng người'. Chia sẻ về vinh dự này, nhiều thầy cô giáo đã không khỏi xúc động, đồng thời mong muốn đóng góp nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Nhà giáo Hồ Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyệt Quế (quận Long Biên). Ảnh: VGP/Minh Anh
Nhà giáo Hồ Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyệt Quế (quận Long Biên). Ảnh: VGP/Minh Anh

Nhà giáo Hồ Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyệt Quế (quận Long Biên) chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Long Biên, cũng như của Thành phố và được các cấp lãnh đạo ghi nhận, tuyên dương nhân dịp đặc biệt quan trọng này".

Với vai trò của một nhà quản lý giáo dục, trong thời gian tới, để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình chăm lo cho các em học sinh mầm non, cô Hồ Thị Tuyến cho biết, dự định trọng tâm nhất hiện nay Ban Giám hiệu cũng như tập thể giáo viên là tập trung quản trị, xây dựng nhà trường vận hành theo mô hình trường mầm non chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh học sinh và xã hội; bồi dưỡng đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp; khai thác và sử dụng thật hiệu quả cơ sở vật chất nhà trường và những nguồn lực khác để tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ - những mầm non tương lai.

Theo cô giáo Hồ Thị Tuyến, việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ trong độ tuổi mầm non là nhiệm vụ khó, đặc biệt điều kiện dạy và học dành cho cấp mầm non còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các trẻ còn quá nhỏ để tự chủ mọi việc nên dạy trẻ cần sự kiên trì, yêu trẻ và đam mê nghề nghiệp mới có đủ năng lượng để cống hiến và gắn bó với nghề. Vậy nên, những cô giáo mầm non hiện còn đang gắn bó, tâm huyết với trẻ và yêu nghề đều xứng đáng được biểu dương.

Bên cạnh đó, nhu cầu cho trẻ có được môi trường chăm sóc giáo dục an toàn, hạnh phúc, được quan tâm phát triển tới từng cá nhân là nhu cầu chính đáng của cha mẹ học sinh nhưng hiện nay nhu cầu này phát triển nhanh hơn việc cung ứng nhu cầu của giáo dục công lập nên gây ra áp lực quá lớn cho các cô; đi kèm theo đó là truyền thông bùng nổ, lương thấp,...tạo thành khó khăn rất lớn không dễ vượt qua của nhiều cô giáo. Vì vậy, tỷ lệ giáo viên mầm non xin thôi việc rất nhiều.

Tuy nhiên, điều mà cô giáo Hồ Thị Tuyến cũng như nhiều thầy cô khác ở Trường Mầm non Nguyệt Quế vẫn tâm huyết, đam mê với nghề đó là cho dù giáo dục mầm non là nhiệm vụ khó song kết quả làm việc của giáo viên nhà trường luôn được cha mẹ học sinh, lãnh đạo, cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Khi kết quả đầu ra là những bé học sinh thật sự khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn nhưng vẫn vô cùng ngộ nghĩnh, chúng thật sự là những đứa trẻ hạnh phúc, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào bậc học phổ thông.

Hoạt động giáo dục trẻ mầm non tại Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng. Ảnh: VGP/Minh Anh
Hoạt động giáo dục trẻ mầm non tại Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng như cô giáo Hồ Thị Tuyến, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trong mỗi giáo viên Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) đều có cảm xúc hân hoan, tự hào và xúc động vì những công việc và đóng góp nhỏ bé của mình được ghi nhận, được biểu dương khen thưởng tôn vinh.

Chia sẻ về những thành tích mà nhà trường cũng như cá nhân vừa được Thành phố khen thưởng, Nhà giáo Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng cho biết, mỗi gia đình có 1-2 con, chăm sóc và dạy dỗ các con là việc mà các bậc phụ huynh rất trăn trở, dành nhiều thời gian công sức. Trong khi, các cô giáo thì có cả 15-20 bé để chăm sóc, dạy dỗ, nhiệm vụ khó khăn đó chính là làm sao vừa chăm sóc các bé chu đáo như các gia đình lại tổ chức dạy học thật tốt. Nên là người hiệu trưởng, Nhà giáo Trần Thị Phương Dung luôn đồng hành cùng giáo viên xây dựng thật nhiều các hoạt động cho trẻ trải nghiệm thông qua vui chơi trẻ học và tiếp thu những bài học một cách tốt nhất

"Tôi rất thích trẻ con nên luôn muốn làm những gì tốt đẹp nhất, tôi yêu thích công việc của mình và nó trở thành niềm đam mê giúp cho tôi có động lực sáng tạo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển chương trình giáo dục theo những nội dung riêng của trường chất lượng cao, mang đến cho trẻ những hoạt động trải nghiệm thực tế đầy đủ đồng bộ để trẻ phát triển hài hòa từ thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm kỹ năng xã hội", Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng chia sẻ.

Còn với Nhà giáo Trịnh Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đa Sỹ (quận Hà Đông) vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội tặng Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm học 2022 - 2023, trên cương vị hiệu trưởng, bản thân cô luôn cố gắng, nỗ lực trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động nhà trường; bồi đắp thêm ngọn lửa yêu nghề cho tập thể giáo viên nhân viên nhà trường cũng như xây dựng đội ngũ nhà giáo đoàn kết, năng động, tận tâm và cống hiến.

Có một câu nói mà cô Thùy Linh vô cùng tâm đắc của Can Jung: "Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình". Do vậy, nghề giáo luôn đòi hỏi người giáo viên phải nhiệt tình, tâm huyết. Có sự nhiệt tình, tâm huyết mới có sự sáng tạo trong công tác. Trong quá trình 20 năm công tác bằng lòng yêu nghề, mến trẻ cô đã dành hết tâm huyết, tình yêu thương, trách nhiệm của mình cho các con và công việc.

"Năm học đầu tiên với đầy ắp tình yêu và rộn ràng tiếng trẻ thơ đến trường, phụ huynh đã tin yêu thấu hiểu chúng tôi. Nhà trường chúng tôi đã đạt được 02 giáo viên đạt giải ba hội thi thiết kế elening cấp quận năm học 2021 - 2022. Đến năm học 2022 - 2023, nhà trường có cô giáo Đoàn Thị Hương đạt giải Nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cô Hoàng Thị Thùy Dương giải nhì, cô giáo Nguyễn Thị Thúy đạt giải Ba hội thi thiết kế bài giải elening cấp quận...", cô Trịnh Thùy Linh chia sẻ.

Tạo hành trang cho trẻ vững bước vào bậc tiểu học

Hoạt động khám phá
Hoạt động khám phá "Thí nghiệm - Núi lửa phun trào" tại Trường Mầm non Đa Sỹ. Ảnh: VGP/Minh Anh

Nhà giáo Hồ Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyệt Quế cho biết; " Điều chúng tôi băn khoăn trăn trở nhất là mong muốn các cấp, các ngành quan tâm thực sự đến giáo dục nói chung và cấp học mầm non nói riêng bằng hành động và chế độ thiết thực, phù hợp để các cô đảm bảo đời sống, yên tâm cống hiến, gắn bó với nghề. Đồng thời, quan tâm đào tạo đội ngũ sinh viên sư phạm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non thường xuyên để đáp ứng yêu cầu năng lực của giáo viên trong thời đại áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

Còn với cô Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng, hiện nay chưa có chỉ tiêu thi tuyển giáo viên dạy các môn chuyên biệt như thể chất, tạo hình, âm nhạc, tiếng anh làm việc trong trường chất lượng cao - hiện nay đội ngũ giáo viên chuyên biệt chưa ổn định chỉ là cộng tác viên, đơn vị liên kết, do đó, mong muốn đối với Nhà trường là có các thầy cô giáo để dậy chuyên sâu từng bước đáp ứng với các tiêu chí nội dung chương trình của trường chất lượng cao.

Nhà giáo Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng vừa được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Ảnh: VGP/Minh Anh
Nhà giáo Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng vừa được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Ảnh: VGP/Minh Anh

Để tiếp tục làm tốt hơn công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong nhà trường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng cũng kiến nghị với ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục quan tâm bổ sung trang thiết bị hiện đại theo hướng chất lượng cao, có văn bản hướng dẫn chỉ đạo của trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao, hiện tại các trường chất lượng cao vẫn được đầu tư theo các tiêu chuẩn chung như cho các trường công lập.

Còn với cô Trịnh Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đa Sỹ, năm học 2022 - 2023 cũng gần như là năm học đầu tiên nhà trường được đón các học sinh đến trường. Với nhiều khó khăn của trường mới, mọi thứ đều không có sẵn như vậy, cô luôn tự đặt câu hỏi: Làm sao để một ngôi trường mới có thể theo kịp các trường bạn? Sự phối kết hợp với phụ huynh ra sao để gia đình các con tin yêu nhà trường? Vì chính họ là những người truyền thông tốt nhất cho ngôi trường mới. Những câu hỏi đó buộc cô phải trăn trở và bắt tay vào việc xây dựng môi trường và bồi dưỡng đội ngũ.

Đứng trước thực trạng đó, cô Thùy Linh đã bắt đầu chỉ đạo việc xây dựng Mô hình vườn xanh 0 đồng. Với mong muốn tận dụng không gian có sẵn của nhà trường để xây dựng mô hình vườn trường cho các bé thực hành trải nghiệm. Cô đã chủ động xây dựng kế hoạch mô hình vườn xanh 0 đồng triển khai đến các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học. Kết quả tạo ra một vườn xanh 0 đồng đa dạng, phong phú các loại cây và là nơi cho cô trò thư giãn, trải nghiệm, đưa những bài học khám phá từ vườn trường cho các bé.

Cùng với sự cố gắng không ngừng về công tác chuyên môn cô Thùy Linh cũng đã xây dựng những tiết học hạnh phúc mời phụ huynh đến vui học cùng các con. Xây dựng những tiết học hạnh phúc đó cô luôn tìm những biện pháp, hình thức để truyền cảm hứng cho giáo viên, định hướng, chia sẻ ý tưởng, chung tay, vaò cuộc cùng đội ngũ...

Trong thời gian tới, cô Linh cùng tập thể giáo viên Trường Mầm non Đa Sỹ sẽ tiếp tục chủ động đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em, linh hoạt thực hiện các hoạt động giáo dục, điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu, khả năng khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Hà Nội Trần Thế Cương, trong năm 2023, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, sự nghiệp GD&ĐT Hà Nội có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học, ngành học.

Đặc biệt, vừa qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua 5 Nghị quyết tại kỳ họp HĐND Thành phố, trong đó có những cơ chế, chính sách, nội dung mới như Nghị quyết số 02 ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non, khả năng và nhu cầu của trẻ; tiếp tục thực hiện các chuyên đề, chương trình để đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em.

Song song với đó là thực hiện tốt Chủ đề năm học "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm" gắn kết với việc nâng cao chất lượng thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025".

Theo Minh Anh/ VGP

Hé lộ tạo hình của 'nhà giáo quốc dân', fan Genshin vỡ mộng vì quá giống tựa game “đàn em”

Hé lộ tạo hình của "nhà giáo quốc dân", fan Genshin vỡ mộng vì quá giống tựa game “đàn em”

Game thủ Genshin đang cảm thấy “ngờ ngợ” khi chiêm ngưỡng tạo hình của nhân vật mới.