Vào ngày 7/5, Sở Y tế cơ quan thường trực Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, tính đến 16h30 ngày 07/5 , tổng số trường hợp nhập viện lũy kế đến hiện tại là 547 trường hợp. Hiện tại, có 466 trường hợp đã xuất viện tiếp tục theo dõi tại nhà, còn 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới; các trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận: 04/08 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella. Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn Salmonella |
Liên quan đến vi khuẩn Salmonella, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho hay, loại vi khuẩn này là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa…Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella: Thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và gia vị. Đặc biệt khi thực phẩm bị nhiễm Salmonella, protein của thực phẩm không bị phân giải, tính chất lý hoá của thực phẩm không bị thay đổi mặc dù vi khuẩn phát triển rất nghiêm trọng nhưng trạng thái cảm quan không thay đổi gì rõ rệt.
Về biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonela, Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Nam khuyến cáo:
Kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi: Việc kiểm soát Salmonella trong thực phẩm phải bắt đầu từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. Salmonella có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt.
Đối với gia súc và gia cầm: Phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn nhất là lây nhiễm chéo. Khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...
Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống: vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
Không ăn thực phẩm tái, gỏi: khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như: dao, thớt...
Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất: đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút. Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn.
Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu.
Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu để lại cần để nguội đồ ăn và nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang
Bộ Y tế vừa có Công văn số 711/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế Khánh Hoà liên quan đến vụ việc học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường và trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (TP Nha Trang) nghi bị ngộ độc thực phẩm.