Sáng 2/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các nhà khoa học đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của người mắc Covid-19. Trong đó, 11 mẫu có giải trình tự gene tương tự chủng virus B117 lần đầu được phát hiện tại Anh vào tháng 12/2020.
Các chuyên gia cho biết khi B117 vượt ngoài biên giới Châu Âu, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân mang biến chủng này là điều khó tránh khỏi. Biến chủng mới đã gây ra đợt bùng phát lớn nhất từ trước đến nay.
4 điểm khác biệt của biến chủng B117
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết ngay khi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 1660 có kết quả dương tính bằng phương pháp rRT-PCR, nhóm nghiên cứu tiếp tục giải trình tự gene của virus để xác định nguồn gốc.
“Phân tích đột biến bằng phần mềm CoV-GLUE cho thấy bộ gene của chủng virus này thu nhận từ bệnh nhân 1660 mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B117”, tiến sĩ Châu cho biết.
Biến chủng SARS-CoV-2 lần đầu được ghi nhận từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Ảnh: Rospotrebnadzor. |
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã lập tức báo cáo kết quả này về Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế. Tiến sĩ Châu thông tin thêm đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Chúng được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây.
Một ngày sau khi báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được công bố, sáng 2/2, Bộ Y tế thông báo các mẫu liên quan 2 ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh cùng mang biến chủng virus B117.
Trong cuộc họp với UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch COVID-19 đang bùng phát phức tạp hơn và khác Đà Nẵng bởi tốc độ lây nhiễm của virus rất cao. Theo nghiên cứu ban đầu, biến chủng lây qua đường không khí, đặc biệt, trong môi trường kín, hệ số lây nhiễm của virus ở mức rất cao.
Về hệ số lây nhiễm này, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết khả năng lây nhiễm trong môi trường kín của SARS-CoV-2 lần đầu được báo cáo qua nghiên cứu về sự kiện "siêu lây nhiễm” xảy ra ở ổ dịch bar Buddha (quận 2, TP.HCM). Ca chỉ điểm của ổ dịch này là bệnh nhân 91, nam phi công người Anh.
Nghiên cứu này của bệnh viện được ghi nhận trên Emerging Infectious Diseases, tạp chí khoa học chuyên ngành truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hôm 18/10.
Theo nhóm nghiên cứu, thời gian đầu, virus được khẳng định lây qua giọt bắn đường hô hấp. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số giọt siêu nhỏ dạng aerosol mang virus có thể lơ lửng trong không khí một thời gian trước khi đáp xuống bề mặt, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nếu nồng độ trong không khí dày đặc do thông gió kém.
“Nghiên cứu về chùm lây nhiễm tại bar Buddha cho thấy môi trường khép kín có thể gây siêu lây nhiễm với chủng SARS-CoV-2 cũ. Do đó, với chủng mới, khả năng lây lan được ghi nhận ở mức cao hơn”, tiến sĩ Châu nhận định.
Chuyên gia này cho biết dù chưa có nghiên cứu rõ ràng về sự gia tăng độc lực, trong tình huống số người nhiễm chủng mới tăng, sẽ có ca bệnh nặng, kéo theo đó nguy cơ tử vong cũng cao.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây.
"Virus SARS-CoV-2 có biến chủng này là do chúng có sự thay đổi gene và tạo nhiều gai bên ngoài hơn. Những gai này làm tăng khả năng bám dính vật chủ, từ đó khiến mức độ nhiễm bệnh cũng như lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp.
Yếu tố thứ 3 là biến chủng này có tốc độ lây lan rất nhanh. Với SARS-CoV-2 chủng cũ, qua 1-2 ngày truy vết các trường hợp tiếp xúc gần thì đã an toàn. Chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nên có thể trong lúc tìm F1 thì F1 đã lây cho F2.
"Chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5-6 ngày để có khả năng lây bệnh, chủng tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Trong khi chúng ta chưa xác định F0, không loại trừ khả năng đã có số lượng không nhỏ trong cộng đồng nhiễm bệnh. Điều này đặt vấn đề rất lớn trong việc truy vết", tiến sĩ Hùng nói thêm.
Sự thay đổi thứ 4 cũng là yếu tố khiến dịch lây lan mạnh trong cộng đồng, là người nhiễm biến chủng có thời gian ủ bệnh dường như kéo dài hơn, dù vòng đời của virus ngắn lại.
Trước đây, khoảng 7 ngày, người nhiễm sẽ khởi phát triệu chứng sốt, ho, mất vị giác. Trong khi hiện tại, rất ít trường hợp có triệu chứng lâm sàng. Chuyên gia này phân tích trong khoảng hơn 200 ca mắc Covid-19 được ghi nhận, không nhiều người có dấu hiệu bệnh.
Biến chủng virus mới có thể làm thay đổi diễn tiến dịch tại Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Các bệnh nhân có triệu chứng bệnh rõ nhất là nhân viên an ninh tại sân bay Vân Đồn, bệnh nhân 1660 ở TP.HCM và bệnh nhân ở Gia Lai. Tuy vậy, hầu như họ đều khởi phát triệu chứng ho, mất vị giác, sốt..., khá trễ sau khi tiếp xúc nguồn bệnh.
Nhiều trường hợp khác được truy vết sau 9- 10 ngày rời vùng dịch vẫn không có triệu chứng.
"Như ca mắc ở TP.HCM dự tiệc ở Hải Dương từ hôm 18/1, đến 28/1 mới có triệu chứng bệnh và khai báo y tế. Như vậy, thời gian ủ bệnh của bệnh nhân mang biến chủng này thường kéo dài hơn, bệnh nhân không có triệu chứng trong thời gian dài nên khó phát hiện người nhiễm", ông nói thêm.
Ngoài ra, tiến sĩ Hùng cho biết về liên quan yếu tố khí hậu, khu vực miền Bắc hiện trong thời điểm lạnh. Nền nhiệt độ thấp là điều kiện khá thuận lợi cho virus phát triển. Ngoài ra, về yếu tố xã hội, trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, đi lại nhiều tạo điều kiện virus lây lan mạnh hơn và vượt ngoài phạm vi ổ dịch, đến các địa phương khác.
"Virus nhanh, chúng ta nhanh hơn virus"
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, nhận định phương án quan trọng nhất hiện nay của chúng ta là tăng cường xét nghiệm, phát hiện trên diện rộng tất cả trường hợp nghi ngờ, truy vết thần tốc khoanh vùng, phong tỏa và cách ly.
Càng phát hiện sớm được các trường hợp mang mầm bệnh, chúng ta càng chiếm ưu thế kiểm soát hơn. Nếu không phát hiện sớm, nguồn bệnh sẽ tiếp tục lây lan âm thầm trong cộng đồng tạo thành nhiều ổ dịch thứ phát khác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam khó tránh khỏi sự xâm nhập của SARS-CoV-2 chủng mới. Nguy cơ này có thể đến từ mọi nguồn, bao gồm ở sân bay, nguồn nhập cảnh trái phép, khu cách ly.
Chuyên gia này nhận định sự lây nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh khá nguy hiểm vì đối tượng mắc COVID-19 là người trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát. Khi mang biến chủng mới, càng đặt thử thách lớn cho ngành y tế về việc truy vết thần tốc.
"SARS-CoV-2 dù có biến đổi thế nào đi nữa thì chúng vẫn chỉ là virus hô hấp và không thể nào thoát được lớp chắn của khẩu trang. Về truy vết, nếu virus có tốc độ lây nhanh, hệ số lây nhiễm cao thì chúng ta buộc nhanh hơn virus, ngăn chặn và cắt đứt chuỗi lây của chúng.
Khi người bệnh không thể truyền virus cho người tiếp xúc, người mang mầm bệnh được cách ly tuyệt đối, đó là lúc chúng ta kiểm soát được dịch", bác sĩ Khanh nhận định. Các chuyên gia dự đoán trong thời gian tới, sự xuất hiện của biến chủng B117 có thể làm thay đổi diễn tiến dịch tại Việt Nam.