Vì sao cần cúng rằm tháng Giêng, chuẩn bị mâm cúng rằm tháng Giêng như nào cho đầy đủ và ý nghĩa?

Ngoài việc lên chùa cầu an hay cúng sao giải hạn, các gia đình thường làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ thành tâm.

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên tiêu

Tết Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm âm lịch. Trong tiếng Hán, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, bên cạnh Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười). Năm nay, ngày Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng nhằm vào Chủ nhật ngày 5/2 dương lịch.

Rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu, tết Thượng Nguyên, tết Trạng Nguyên… Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có nhiều giai thoại được mọi người truyền tai nhau.

Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên Tiêu.

Vì sao cần cúng rằm tháng Giêng, chuẩn bị mâm cúng rằm tháng Giêng như nào cho đầy đủ và ý nghĩa?

Một giai thoại khác là vào đời Hán ở Trung Quốc, một cung nữ có ý định về thăm cha mẹ vào ngày rằm tháng Giêng nhưng bị bề trên ngăn cấm nên có ý định lao xuống giếng tự tử vì quá buồn nhớ song thân.

Cảm động trước sự hiếu thảo của cô gái, một vị quan đã tâu vua rằng, ngày 16/1, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15/1. Theo lệnh vua, ngày rằm tháng Giêng mọi nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc này, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết. 

Cũng có truyền thuyết khác kể rằng, con thiên nga mà Ngọc hoàng rất yêu quý bay xuống hạ giới chơi và bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho nó, Ngọc hoàng sai thiên binh đúng ngày 15/1 (âm lịch) xuống phóng hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật ở hạ giới. Một số vị thần không đồng tình với quyết định khắc nghiệt này nên liều mình xuống trần để hiến kế cho chúng sinh.

Theo mách nước của chư thần, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc hoàng nhìn xuống tưởng rằng nhà cửa, làng mạc ở dưới đang bốc cháy. Loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong. Kể từ đó đến nay, ngày 15 tháng 1 hàng năm, người Trung Quốc thường treo đèn lồng và nấu cỗ, bày tiệc, sum họp bên gia đình, mừng một năm mới bắt đầu bình an, may mắn.

Câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa là được truyền tai nhiều nhất. Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân.

Tại Việt Nam, rằm tháng Giêng mang ý nghĩa cầu mong một năm tốt lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Phật tử sẽ bái Phật, các gia đình khác cúng thần linh, Thổ công, Thổ địa và nhất là ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn bề  trên phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm.

Mâm cúng rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?

Vào ngày rằm tháng Giêng, mâm lễ của người miền Bắc thường có chuối, xôi, oản, trái cây. Còn người miền Nam cúng xôi chè, bánh ít, bánh cúng, nhiều vùng vẫn gói bánh tét trong ngày này để mang đi lễ chùa.

Thực tế, tùy mỗi vùng miền, phong tục sẽ khác nhau chứ không nhất thiết theo một nguyên tắc nào. Ở một số nơi sẽ gồm ba bàn thượng - trung - hạ. Bàn thượng thỉnh Phật và chư vị Bồ Tát; bàn trung cúng chư vị thần linh như: thổ thần và các vị thần tinh tú; bàn thứ ba là bàn bố thí chư vị âm linh cô hồn. Vào ngày này thường đốt 49 cây đèn/nến để cầu nguyện. Cúng đồ chay hay đồ mặn là tùy mỗi gia đình và địa phương.

Dù cúng chay hay mặn thì phải có đầy đủ trái cây, chè xôi, đèn ở bàn Phật và Bồ Tát. Bàn thứ hai cúng thần thì ngoài đầy đủ như bàn Phật còn có thêm cau trầu, rượu mâm cơm. Bàn thứ 3 cúng âm linh cô hồn nên bắt buộc có giấy tiền vàng bạc, muối, gạo, bánh trái, xôi, chè, cơm, canh... càng nhiều thứ càng tốt, đặc biệt là phải có cúng cháo trắng loãng.

Về đĩa trái cây, người dân thường cúng 3 loại hoặc 5 loại vì số lẻ biểu trưng cho dương và theo quan niệm thích số. Ba bàn cúng được sắp xếp thượng - trung - hạ cũng tượng trưng cho ba ruộng phước gồm: ân điền, kỉnh điền và bi điền.

Ngoài ra, theo phong tục người Việt thường chọn giờ cúng rằm tháng Giêng vào buổi trưa, từ 10 giờ trở đi là được. Tuy nhiên do bận rộn nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối.

Thanh Mai

Vì sao bánh cuốn Thanh Trì trở thành một món đặc trưng của đất Hà Thành?

Vì sao bánh cuốn Thanh Trì trở thành một món đặc trưng của đất Hà Thành?

Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn quen thuộc của rất nhiều tín đồ đam mê ẩm thực Hà Thành.