Vì sao TP.HCM phải đợi suốt 10 năm để được thông qua chủ trương Thành phố Thủ Đức?

TP Thủ Đức - thành phố phía Động trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức là đề án chính quyền TP.HCM ấp ủ gần 10 năm.

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án thành lập TP Thủ Đức .  Theo đó, Thủ tướng đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. 

Gần 10 năm cho giấc mơ Thành phố phía Đông

Thủ tướng đã đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức. Ảnh: VNE
Thủ tướng đã đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức. Ảnh: VNE

Trước đó, ngày 24/4, UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông gồm 22 thành viên, do Chủ tịch Nguyễn Thành Phong làm Trưởng ban, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND ba quận 2, 9, Thủ Đức làm thành viên.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sinh sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển.

Do khu đô thị cũng chính là khu vực thành lập Thành phố phía Đông , nên Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa ba quận 2, 9 và Thủ Đức.

Thành phố phía Đông chính là đề án chính quyền đô thị riêng trực thuộc chính quyền đô thị TP.HCM, vốn đã được TP.HCM ấp ủ gần 10 năm qua. 

Năm 2013, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khoá VIII đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM, với 4 đô thị vệ tinh  Đông - Tây - Nam - Bắc, trong đó có Thành phố phía Đông gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. 

Tuy nhiên, đề án này sau đó không được thông qua, do vướng luật, Hiến pháp và quy mô đề án quá lớn, cần nhiều cơ quan tham gia.

Gần đây, từ năm 2018, Khu đô thị Sáng tạo phía Đông - Thành phố phía Đông, được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và chính quyền thành phố nhiều lần nhắc lại. Nhiều hội thảo về đề án này cũng liên tục tổ chức, nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà kinh tế trong và ngoài nước.

Tại một hội nghị vừa diễn ra vào tháng 7/2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết thành lập Thành phố phía Đông. Tên của TP này sẽ có tên chính thức khi được Quốc hội thông qua, trước mắt tạm thời lấy tên là TP Thủ Đức.

Vì sao TP.HCM muốn thành lập TP Thủ Đức?

Thành phố Thủ Đức được quy hoạch gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức, có quy mô lớn khoảng 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích toàn TP.HCM. Dân số hiện nay của ba quận hơn 1 triệu người, dự kiến đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố. 

Do có diện tích lớn cũng như các đóng góp, chỉ số khác, chính quyền TP.HCM cho rằng 3 quận này không thể sáp nhập thành một quận được, mà phải là thành phố, trực thuộc TP.HCM.

KHu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Nguyên Phương
KHu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Nguyên Phương

Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo của TP.HCM. Ba quận này đang sở hữu nhiều tiềm năng, có thể tận dụng nguồn lực tại chỗ để phát triển theo mô hình kinh tế sáng tạo.

Theo đó, quận 2 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch là trung tâm tài chính. Quận 9 có Khu công nghệ cao năm 2019 đã mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỉ USD, bằng 40% xuất khẩu của TPHCM. Quận Thủ Đức sẽ giữ vai trò hạt nhân là khu đô thị đại học, gồm Đại học Quốc gia TP.HCM và hơn chục trường đại học khác, với 1.500 giảng viên trình độ tiến sĩ và 70.000 sinh viên theo nhiều chuyên ngành khách nhau.

Đây là nơi có cường độ công nghệ ứng dụng cao nhất nước; nơi có cường độ đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước và cũng là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Có động lực tăng trưởng khác nhau, và có chỉ số tăng trưởng tốt. Ba quận 2, 9, Thủ Đức dự kiến sẽ mang lại nhiều động lực phát triển cho Thành phố phía Đông.

Bí thư Nguyễn Thiện nhân từng khẳng định: “3 yếu tố này tác động lại tạo nên vùng tăng trưởng mới”.

Song song đó, ở khu vực này có 6 khu chức năng, nhưng 6 khu này tách rời vì nằm ở 3 quận, không đảm bảo tính tương tác liên thông. Vì vậy, phải hình thành một đơn vị quản lý và đề xuất tích hợp 3 quận này thành một, là hợp lý.

Chính quyền TP.HCM kỳ vọng Thành phố phía Đông khi hoàn thiện sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho TP. HCM, bằng 4-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Từ nhiều năm trước, TP.HCM cũng đã chuẩn bị cho Thành phố phía Đông những nền tảng hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị mới, mà dễ thấy là sự bứt phá hạ tầng giao thông.

Khu công nghệ cao quận 9 hiện rộng  913ha đã lấp đầy khoảng 90%, thu hút 156 dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ. Năm 2019 mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỉ USD, bằng 40% xuất khẩu của TP.HCM. Ảnh: NLĐ
Khu công nghệ cao quận 9 hiện rộng  913ha đã lấp đầy khoảng 90%, thu hút 156 dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ. Năm 2019 mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỉ USD, bằng 40% xuất khẩu của TP.HCM. Ảnh: NLĐ

Khu Đông TP.HCM với nền tảng hạ tầng giao thông trọng điểm sẵn có gồm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (kết nối với Đồng Nai, Bình Dương), cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Mai Chí Thọ, các tuyến đường Vành đai…,  UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố lập quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực này phù hợp theo hướng đô thị sáng tạo. Mà điểm nhấn là đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng bằng đường bộ, đường sắt đô thị và cả đường thủy.

Trong thông báo kết luận của Chính phủ, Trung ương cũng yêu cầu TP.HCM cần lưu ý về quy hoạch chung; nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức, nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của TP. HCM. 

Chính phủ cũng lưu ý quy hoạch TP Thủ Đức phải gắn trong quy hoạch chung của TP.HCM, cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có dự án hình thành và phát triển hẳn một thành phố lớn trực thuộc  thành phố. Thành phố Thủ Đức được các chuyên gia, các nhà quy hoạch đánh giá là dự án chưa có tiền lệ, đầu tư hoàn toàn vốn nhà nước. 

Thành phố Thủ Đức đang có 1 triệu dân. Thành phố mới sẽ thu hút hơn 1 triệu dân nữa, chưa kể dân vãng lai. Vậy yếu phải có yếu tố thu hút người dân đến ở. Nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng đô thị không có người ở.

Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù, thoáng hơn, để thu hút nhà đầu tư.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương