Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19

Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm sáng trong bối cảnh ca mắc COVID -19 tiếp tục tăng và việc nhiều nước có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa sẽ làm đảo ngược đà phục hồi kinh tế. Đây là nhận định chung của hơn 500 nhà kinh tế đưa ra trong các khảo sát do hãng Reuters tiến hành.

Tình hình dịch COVID-19 chưa lắng dịu khi đã có hơn 17 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu, trong số này hơn 600.000 người đã tử vong. Điều này buộc nhiều nước thực hiện các biện pháp siết chặt, khiến người dân hạn chế ra ngoài và hoạt động kinh doanh đình trệ, dẫn tới nguy cơ kinh tế tiếp tục suy thoái.

Theo các nhà phân tích, Mỹ -nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang có nguy cơ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong bối cảnh các ca nhiễm mới liên tục tăng. Trước tình hình này, đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.

Trong bối cảnh gia tăng các trường hợp mắc bệnh tại nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Brazil, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020. Theo đó, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm 4%, khoảng 3,4 nghìn tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Canada và Australia cộng lại. Đây là lần thứ 6 liên tiếp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị điều chỉnh hạ từ mức 3,1% được đưa ra hồi tháng 1.

Trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát và việc điều chế vaccine ngừa bệnh hiệu quả, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ tăng trưởng 5,3%, giảm nhẹ so với mức dự đoán 5,4% được đưa ra tháng trước. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng -6,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức âm -4,9% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, và sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2021.

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Barclays, ông Christian Keller, nhận định kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng chỉ trong 6 tháng, qua đó cho thấy dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu biến đổi. Theo ông Keller, đã có sự thay đổi về quan điểm trong chính sách tiền tề và tài chính, bên cạnh những thay đổi về thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng, hoạt động đi lại trên thế giới và địa chính trị.

Đa số các nhà kinh tế đều hạ dự báo triển vọng kinh tế của Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Australia và dự đoán tăng trưởng trong năm 2021 của những nước này là khiêm tốn. Đối với Eurozone, triển vọng kinh tế trong năm tới có phần sáng sủa hơn sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro. Trong khi đó, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh chưa có dấu hiệu khả quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát với các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng.

Quý II/2020, chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ đã giảm 34%. Nguồn: AFP.
Quý II/2020, chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ đã giảm 34%. Nguồn: AFP.

Trung Quốc, nơi được xem là nguồn lây nhiễm COVID-19, có triển vọng sáng hơn. Các chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục nhanh hơn các nước khác, dù kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu ra thế giới.

Khi được hỏi về sự thay đổi về hoạt động kinh tế trong tháng 6, đa số các chuyên gia cho rằng không có sự biển chuyển nào, thậm chí còn tệ hơn. Nhiều chuyên gia còn cho rằng các nền kinh tế trên thế giới phải mất từ 2 năm hoặc nhiều hơn để lấy lại đà tăng trưởng như thời trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Nhà kinh tế trưởng Janet Henry của HSBS nêu rõ những dự báo trên cho thấy mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến cuối năm 2021 không chỉ thấp hơn so với mức trước khi xảy ra dịch bệnh mà còn thấp hơn mức hồi cuối năm 2019. Các khảo sát của Reuters được thực hiện từ ngày 3-29/7, theo TTXVN.

Ảnh: Sky News.
Ảnh: Sky News.

Tiếp tục “thấm đòn” dịch COVID-19

Việc các quốc gia công bố số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm trong khi các doanh nghiệp dầu mỏ và hãng chế tạo máy bay hàng đầu thông báo kết quả kinh doanh kém lạc quan cho thấy, nền kinh tế thế giới đang tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi tiến trình hồi phục vẫn còn nhiều bất ổn.

Mỹ vừa công bố số liệu cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã giảm 33% trong quý II/2020, số liệu kém nhất kể từ năm 1947. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức trong quý II/2020 giảm 10,1% so với quý I/2020. Theo nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của công ty bảo hiểm Allianz, số liệu GDP là “gương chiếu hậu” cho thấy tình hình nghiêm trọng hiện nay.

Các công ty dầu mỏ gặp nhiều khó khăn khi tình trạng phong tỏa nhằm chống dịch ở các nước đã khiến giá dầu thô giảm mạnh. Công ty dầu mỏ Shell - công ty con của tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) - ngày 30/7 thông báo lỗ ròng 18,1 tỷ USD trong quý II/2020. Trong khi đó, hai công ty dầu khí Total (Pháp) và Eni (Italy) lần lượt công bố các mức lỗ ròng 8,4 tỷ euro (9,9 tỷ USD) và 4,4 tỷ euro (5,2 tỷ USD) trong quý II/2020.

  “Gã khổng lồ” năng lượng Royal Dutch Shell ngày 30/7 cho biết lợi nhuận ròng đã giảm mạnh trong 3 tháng, tính đến tháng 6 do tác động của dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm.

“Gã khổng lồ” năng lượng Royal Dutch Shell ngày 30/7 cho biết lợi nhuận ròng đã giảm mạnh trong 3 tháng, tính đến tháng 6 do tác động của dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm.

Ngành hàng không thế giới cũng chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, với hoạt động đi lại bằng đường không bị ngưng trệ và sự hồi phục trở lại bình thường sẽ không thể diễn ra trước năm 2023. Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus (châu Âu) ngày 30/7 cho hay đã ‘đốt” hơn 12 tỷ euro tiền mặt và lỗ ròng 1,9 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020. Trước tình hình khó khăn hiện nay, Airbus dự định giảm 40% sản lượng máy bay.

Trước đó, ngày 29/4, đối thủ của Airbus là hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) thông báo lỗ 2,4 tỷ USD trong quý II/2020 và dự kiến thu hẹp hoạt động sản xuất sau khi đã thông báo sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động của doanh nghiệp này.

  Boeing đã bị lỗ 2,4 tỷ USD trong quý II/2020 do giao hàng máy bay thương mại giảm sút sau khi máy bay 737 MAX bị cấm bay cũng như tác động của dịch bệnh.

Boeing đã bị lỗ 2,4 tỷ USD trong quý II/2020 do giao hàng máy bay thương mại giảm sút sau khi máy bay 737 MAX bị cấm bay cũng như tác động của dịch bệnh.

Cùng chung tình trạng khó khăn trên, các nhà sản xuất ô tô cũng đang “chật vật” tìm cách tồn tại trong thời COVID-19. Hãng chế tạo ô tô Renault (Pháp) thông báo lỗ 7,2 tỷ euro trong nửa đầu năm 2020 và có kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm. Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Volkswagen (Đức) cũng ghi nhận mức lỗ trước thuế 1,4 tỷ euro trong nửa đầu năm nay.

Bất chấp những số liệu đáng quan ngại nói trên, một số nhà phân tích cho rằng sự hồi phục của các nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sẽ diễn ra trong thời gian tới cho dù chưa ổn định. Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING dự đoán nền kinh tế Đức sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý III/2020, song lộ trình hồi phục sẽ  “không bằng phẳng và kéo dài”. Còn Tân Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cho rằng doanh nghiệp này sẽ có sự hồi phục tích cực sau những kết quả kinh doanh “ảm đạm’ trên

(Nguồn TTXVN/AFP)

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương