Trong 7 tháng năm 2020 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước - đứng đầu thế giới và cả sản lượng lẫn giá thành. Điều này hứa hẹn năm 2020 Việt Nam có thể trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
Việt Nam đang trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới
Duy trì sản lượng gạo xuất khẩu trung bình 6-7 triệu tấn mỗi năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nói riêng và thế giới nói chung.
Sau kỷ lục xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo vào năm 2012, năm 2018, ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công khi đạt sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ năm 2013, đạt 6,15 triệu tấn, tương đương 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.
Liên tiếp các vụ lúa Đông - Xuân và Hè - Thu cho sản lượng cao. Ảnh: Minh họa. |
Năm 2019 cả nước xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng nhưng giảm 8,4% về giá trị so với năm 2018. Trong 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,9% thị phần, đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng tới 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường xuất khẩu gạo có trị giá tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41,1 nghìn tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457.600 tấn).
Đặc biệt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ giữa tháng 7 đến nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Theo đánh giá của các doanh nhân ngành lúa gạo, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, đặc biệt, mức chênh lệch từ 15-20 USD/tấn là hoàn toàn không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh COVID-19 cũng giúp gạo Việt Nam được các nhà nhập khẩu ưu tiên. Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường phải chịu thuế nhập khẩu cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm. Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý.
Các chuyên gia nhận định, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều tăng là lợi thế “kép” để ngành lúa gạo Việt Nam mang về thắng lợi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Với mức giá xuất khẩu cao và số lượng đều, năm 2020 nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan và trở thành quốc gia giữ vị trí quán quân lần thứ hai về xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để tiếp tục gia tăng sản lượng và giá gạo xuất khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành lúa gạo Việt Nam
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có truyền thống trồng lúa nước lâu đời. Từ nhiều năm trước, nông nghiệp trồng lúa đã trở thành vấn đề an ninh của đất nước, đồng thời là cơ sở sống còn cho nền kinh tế nước nhà. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phát triển lúa nước vẫn luôn là vấn đề trọng tâm gắn liền với an ninh lương thực, với lợi ích quốc gia.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), diện tích lúa của nước ta chiếm 82% diện tích đất canh tác. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xem là kho lúa gạo của cả nước và thế giới, với hơn 50% sản lượng gạo và chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Để hỗ trợ vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn, như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mô hình liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo…
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là kho lúa gạo của cả nước và thế giới. |
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, có ba chính sách lớn đã được ban hành là: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, ngày 15/8/2018, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã được ban hành thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP đã tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. Nghị định cũng bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định về hợp đồng tập trung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quy định về cơ chế hợp đồng tập trung, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đặt nhiều mục tiêu về sản xuất nông nghiệp, trong đó có mục tiêu đạt 43,5 triệu tấn lúa, đủ nguồn cung ứng trong nước và dư để xuất khẩu khẩu từ 6,7-7 triệu tấn gạo trong năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, để đạt mục tiêu, quan điểm chỉ đạo sản xuất là tập trung giữ vững diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng địa phương và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngành lúa gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới, cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao, thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp. Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được khuyến cáo cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, nhằm ổn định hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân...
(Theo TTXVN)