Việt Nam có thể trở thành cường quốc chế biến rau củ quả của thế giới?

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp đã biến “mối nguy” trở thành “cơ hội” để ngành rau củ quả Việt Nam chiếm lĩnh “bàn ăn của thế giới”.

Đó là chia sẻ của ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood về hành trình đưa nông sản từ nông trại Việt Nam đến bàn ăn của thế giới trong bối cảnh hậu COVID-19.

Ông Lê Thành cho biết thêm, 2020 là một năm gian khó nhưng cũng rất đặc biệt với nông nghiệp. Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

Theo đó, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng trăm xe nông sản ùn ứ, nằm chờ thông quan do liên quan đến quá trình kiểm dịch và nhân lực vận chuyển từ phía Trung Quốc. Vậy nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong đó có nhóm ngành Rau củ quả lại tạo kì tích bất ngờ, cán mốc 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó có nhóm ngành rau củ quả.

Chủ tịch Lavifood cho rằng, nông dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Họ là nhân tố trung tâm của chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, là người làm nên nông sản chất lượng, là nguyên liệu tươi ngon đảm bảo cho nhà máy.

Lavifood kí các cam kết bao tiêu cho bà con nông dân.
Lavifood kí các cam kết bao tiêu cho bà con nông dân.

Lavifood đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến sâu hiện địa với những nhà máy quy mô lớn, tiên tiến như Lavifood, Tanifood… để có thể bao tiêu hết tất cả các loại trái cây của bà con. Với việc đưa vào hoạt động nhà máy Tanifood có công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm sẽ không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam mà còn góp phần nâng cao thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân.

Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu sản phẩm sang thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Singapore… Lavifood bắt tay xây dựng trung tâm hỗ trợ nông dân Lavifarm và phát triển Giải pháp Phần mềm Hỗ trợ Nông dân E-Farm nhằm hỗ trợ, tư vấn cho nông dân về xu hướng thị trường, các giải pháp kỹ thuật, sử dụng vật tư nông nghiệp, sơ chế và bảo quản nông sản… để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, liên kết và hợp tác để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Lavifood cũng đã phối hợp với Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và một số tổ chức khác triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp bền vững cho nông dân, đặc biệt là thế hệ nông dân trẻ nhằm liên tục nâng cao nhận thức, kĩ năng và tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp cho các nhóm thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm từng bước tạo ra một thế hệ nông dân mới năng động và hiểu biết, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế.

Thời gian qua, Lavifood đã liên tục có các chương trình hợp tác chiến lược với Liên Minh HTX Việt Nam, với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh… để tổ chức các vùng trồng công nghệ cao và các cụm sản xuất. Điều đó sẽ giúp sản phẩm của Lavifood sẽ "sạch" từ nguyên liệu đến thành phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chuyến thăm nhà máy Tanifood ngày 20/8/2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chuyến thăm nhà máy Tanifood ngày 20/8/2018.

Đến năm 2025, Lavifood dự kiến sẽ mở rộng vùng trồng lên tới  33.100ha, sản lượng rau củ quả đạt 1 triệu tấn/năm và tổng doanh thu chạm cột mốc 1,5 tỷ USD/năm. Cùng với đó, Lavifood sẽ xây dựng chuỗi nhà máy bắt đầu ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, …

Lavifood cũng bắt tay ngay với một số doanh nghiệp Logistics quốc tế như Iceloft (Bỉ) tổ chức ngay hệ thống kho lạnh thông minh phục vụ nhu cầu bảo quản, lưu trữ nông sản cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Kho lạnh đầu tiên trong chuỗi 05 kho phục vụ các tỉnh ven sông Hậu đã được khởi công tại Trà Vinh ngay sau khi Việt Nam công bố hết dịch.

Ông Lê Thành cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn như Lavifood thì ngành rau, củ, quả Việt Nam sẽ có vị thế cao trên thế giới. Và nếu Việt Nam làm được 63 nhà máy như Tanifood (khoảng 8.000 tỷ/năm khi nhà máy Tanifood hoạt động hết công suất) thì doanh thu mang lại cho ngành nông sản Việt Nam sẽ là 22,5 tỷ USD. Khi đó nước ta thực sự sẽ là một cường quốc chế biến rau củ quả của thế giới!

Năm 2019, Lavifood đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đây là 1 trong 5 nhà máy hiện đại nhất châu Á với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.

Tanifood là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người (LEED SILVER) của Tổ chức Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ và cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương