Sự phổ biến của bóng rổ ở Philippines phần nào phụ thuộc vào sự phát triển của môn thể thao này từ những tầng lớp thấp trong xã hội.
Theo nhiều chuyên gia, khả năng tiếp cận, yếu tố giải trí và tốc độ chính là lý do tại sao mà bóng rổ tỏ ra phù hợp nhất với nền văn hóa của người Philippines, dù thể hình không hẳn là thế mạnh của dân tộc này.
Các sân bóng rổ được xây dựng gần hầu hết các nhà thờ, và dù ở nghĩa trang hay gần cống rãnh, nơi nào có đất rộng và trống là sân bóng rổ có mặt ở quốc gia có 112 triệu dân theo đạo Công giáo. Philippines đồng đăng cai giải vô địch thế giới FIBA từ ngày 25/8-10/9 với Indonesia và Nhật Bản.
"Chúng tôi rất vui mừng vì giải đấu sẽ diễn ra ở đây. Có rất nhiều cầu thủ NBA mà ai cũng rất háo hức để được gặp mặt họ", sinh viên đại học James Froilan Almeda nói gần địa điểm tổ chức giải vô địch Mall of Asia Arena.
Sev Sarmenta, người dẫn chương trình thể thao kỳ cựu cho biết, sức hấp dẫn của bóng rổ đã tồn tại qua nhiều thập kỷ vì tính đơn giản của nó. Bóng rổ đòi hỏi ít không gian, không cần bảo trì, không dụng cụ đắt tiền và không yêu cầu số lượng người chơi cần thiết. Đây là yếu tố dễ tiếp cận và nó khiến cho bóng rổ dễ dàng được người Philippines chấp nhận.
Bóng rổ lần đầu tiên đến Philippines vào những năm 1910, khi nước này còn là thuộc địa của Mỹ. Các giáo viên người Mỹ đã giới thiệu trò chơi này vào hệ thống trường công, ban đầu chỉ dành cho nữ sinh và được chơi trong các cuộc giao lưu liên trường từ năm 1911 đến năm 1913.
Trong cuốn "Rooting for the Underdog: Spectatorship and Subalternity in Philippine Basketball", tác giả Lou Antolihao cho rằng người Phillippines tin rằng đây là cách duy nhất để họ đánh bại những quốc gia lớn hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức thăm dò ý kiến tư nhân Social Weather Services cho thấy bóng rổ được chơi bởi mọi tầng lớp xã hội ở quốc gia đang phát triển này, nơi gần một nửa dân số cho rằng mình đang sống trong cảnh nghèo đói.
Jessie Conde, một người thường xuyên đến sân do những người nhặt rác xây dựng ở khu ổ chuột Tondo, cho biết anh luôn chuyển sang chơi bóng rổ khi mọi thứ trở nên khó khăn ở nhà hoặc ở trường học.
Các đồng đội của anh thường đặt cược 50 peso (1 USD) mỗi người cho mỗi trận đấu, người chiến thắng thường dùng tiền thưởng để mua đồ uống giải khát cho mọi người.
"Khi ra sân, tôi quên hết mọi vấn đề của mình", cầu thủ 18 tuổi nói.
Bóng rổ ở khắp mọi nơi ở Philippines, từ những làng chài nhỏ bé trên đảo Palawan, trên những góc phố ảm đạm ở Manila và Cebu, và trên màn hình tivi từ Bắc đến Nam của quần đảo.
Trận khai mạc có đội tuyển Philippines gặp Cộng hòa Dominica sẽ được tổ chức tại đấu trường có sức chứa 52.000 chỗ ngồi. Vé cho những trận đấu đầu tiên này dao động từ 249 đến 19.199 peso (khoảng 4 USD đến 342 USD).
Laurah Agmata, người chơi cho đội tuyển của trường và giải đấu cộng đồng địa phương cạnh đường ray xe lửa ở khu Pandacan của Manila, cho biết cô rất hy vọng cũng có thể chơi cho đất nước của mình giống như cầu thủ NBA người Mỹ gốc Philippines hiện đang khoác áo Utah Jazz.
"Đôi khi tôi cảm thấy chán nản vì thường chỉ có các cậu bé mới có cơ hội tham gia thi đấu. Nhưng bóng rổ là tình yêu to lớn", cô bé 15 tuổi nói.
Chức vô địch đầu tiên của đội tuyển bóng rổ nam Philippines là khi họ đăng quang ở Đại hội Thể thao Viễn Đông 1913.
Trong những năm sau đó, người Philippines bị ám ảnh bởi môn thể thao này, dẫn đến việc thành lập Hiệp hội vận động viên cao đẳng quốc gia (NCAA) vào năm 1924, và lấy bóng rổ làm môn thể thao chính thức.
Nike báo cáo rằng Philippines là thị trường bóng rổ lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Theo người phát ngôn của giải đấu, trang Facebook của NBA có 7,3 triệu người theo dõi từ Philippines, lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ.
Ở Tondo, một khu ổ chuột ở Manila, Joel Galigar đang cố gắng hết sức để kết nối ăng-ten TV của mình để anh và gia đình có thể xem trận đấu NBA. Sau nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng Galigar và gia đình sáu người của anh đã có thể theo dõi trận đấu trong túp lều nhỏ gần như không đứng vững của họ với tiếng bình luận từ những người hàng xóm.
Carlo Roy Singson, giám đốc điều hành của NBA Philippines, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bóng rổ đã "ăn sâu vào văn hóa Philippines và nó thường được mô tả như một tôn giáo".
(Nguồn: Reuters/NY Times)