Thời gian qua các ngân hàng đã quá… "dễ dãi" với lĩnh vực bất động sản. Các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản cho nên vốn tín dụng khó chảy vào bất động sản...
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, nhìn nhận gần 6 tháng qua, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Từ ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, được xem là động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực. Tuy nhiên, các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường, dẫn đến khó khăn của địa ốc vẫn tiếp tục kéo dài.
"Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng để phát triển bền vững", ông Khương khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cho hay, thời gian qua các ngân hàng đã quá… "dễ dãi" với lĩnh vực bất động sản. Theo ông, các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản.
"Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp địa ốc sẽ càng tăng thâm dụng vốn. Điều này rất nguy hiểm", ông Hiển nói và nhấn mạnh rằng, hiện nay có hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng, trong khi bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy, khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thì tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng.
Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế này, trong ngắn hạn thì dòng vốn đổ vào nhà đất rất khó có thể được nới rộng dù room tín dụng có được nới.
Mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà tại các ngân hàng hiện dao động từ 4,99-9%/năm, nhưng những mức lãi suất thấp nhất kèm theo nhiều điều kiện từ ngân hàng và các chủ đầu tư cùng với thời hạn ngắn. Chẳng hạn, lãi suất vay mua nhà tại MSB áp dụng ở mức thấp nhất là 4,99%/năm, nhưng chỉ được cố định trong 3 tháng đầu với điều kiện khoản vay có thời hạn từ 24 tháng trở lên, tới tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.
Sau động thái tăng 1% các mức lãi suất điều hành và nâng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (áp dụng với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng có thông tin về việc khuyến nghị các ngân hàng thương mại cố gắng tiết giảm chi phí để hạn chế tối đa việc tăng lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đó chỉ là “khuyến nghị” và để đảm bảo an toàn hoạt động, rất khó để các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực không được ưu tiên vốn tín dụng.
Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2022. Theo kết quả của cuộc điều tra, tại kỳ điều tra này, 31,6% TCTD cho biết đã điều chỉnh “tăng nhẹ” lãi suất biên trong khi tiếp tục “giữ ổn định” phí dịch vụ trong quý III/2022.
Được biết, trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành (ngày 23/9/2022), mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục được các TCTD kỳ vọng xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022, với 59-61% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV/2022 (chỉ có 7-9% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ) và 66-69% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 - 0,57 điểm phần trăm trong năm 2022 (có 8-10% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm). Trên cơ sở đó, các TCTD dự báo cả lãi suất biên và phí dịch vụ đều có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2022 và cả năm 2022.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý IV/2022 và tăng 10,2% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Đồng thời, dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,1% trong quý IV/2022 và tăng 14,9 % trong năm 2022, xấp xỉ mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước (15%).
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 được các TCTD nhận định tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt”. Trong quý IV/2022, các TCTD dự kiến tình hình thanh khoản tiếp tục “cải thiện” nhưng chậm lại so với quý III/2022. Dự báo cả năm 2022, các TCTD tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021.
Đúng như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định có chiều hướng giảm trong quý III/2022. Tuy nhiên, các TCTD dự báo, mặt bằng rủi ro có thể tăng nhẹ trở lại trong quý IV/2022. Tính chung cả năm 2022, mặt bằng rủi ro vẫn được kỳ vọng có xu hướng cải thiện rõ rệt và giảm nhẹ so với mặt bằng chung của năm 2021.
Điểm đáng chú ý, các TCTD tiếp tục kỳ vọng lạc quan về tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong các tháng cuối năm 2022.
Tổng Hợp