Vụ nữ sinh tự vẫn nghi do bạo lực học đường: Học sinh nhiều lần xin chuyển lớp nhưng không được

Sự việc bé N.T.Y.N (17 tuổi, ở Nghệ An) tự tử nghi bị bạo lực học đường đang khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến sự việc nữ sinh N.T.Y.N (17 tuổi, học sinh lớp 10A15 Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường, ngày 18/4, lãnh đạo Trường Đại học Vinh cho biết, công an địa phương đã đến làm việc với Trường THPT chuyên trực thuộc đơn vị. Lãnh đạo trường cho biết, nhà trường đã yêu cầu trường THPT chuyên Đại học Vinh làm báo cáo tường trình đầy đủ, phối hợp với cơ quan điều tra. 

  Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nơi nữ sinh N. theo học

Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nơi nữ sinh N. theo học

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh khẳng định, nhà trường sẽ cho kiểm tra, rà soát có hay không tình trạng bạo lực học đường để chấn chỉnh; đồng thời tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình cháu N.

"Việc mất con là một tổn thất cực kỳ lớn. Chúng tôi cũng sẽ chờ xem gia đình cháu N. có những yêu cầu gì thì trường sẽ phối hợp để triển khai. Đối với công tác chủ nhiệm, sinh hoạt, giảng dạy, quản lý người học, chúng tôi sẽ cho rà soát không riêng gì lớp nữ sinh N. mà toàn bộ trường", người đứng đầu Trường Đại học Vinh trả lời báo chí.

Theo chia sẻ của bà Đặng Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15, lớp này có 27 học sinh. N. là học sinh ngoan, thành tích học tập tốt. Nữ sinh từng chơi với một nhóm bạn trong lớp nhưng gần đây giữa N. và nhóm này không còn chơi với nhau. Phụ huynh của em học sinh này chưa từng nói với cô chủ nhiệm về việc xin chuyển lớp mà chỉ có em học sinh hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp.

"Tôi có nói chuyển lớp là việc của nhà trường, không có mẫu đơn cụ thể. N. cũng không chia sẻ thêm về ý định chuyển lớp , nữ giáo viên cho hay.

Trong khi đó, người thân nữ sinh lại cho biết từng 2 lần lên gặp Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Đại học Vinh phản ánh con gái bị bạo lực học đường, cô lập và xin chuyển lớp cho con. Tuy nhiên, lời đề nghị của phụ huynh nữ sinh bị từ chối. 

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của nữ sinh N.T.Y.N. đăng tải thông tin với nội dung: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn, xinh đẹp biết bao nhiêu, làm hết việc nhà cho mẹ, thương yêu các em và lấy chăm sóc gia đình làm niềm vui… Cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường".

Theo nội dung đăng tải, nữ sinh này vốn là học sinh giỏi, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý. Người mẹ đã tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm. Người mẹ tạm yên tâm nhà trường và cá nhân con sẽ tự xử lý được vấn đề. Tuy nhiên, theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, khi bố mẹ vắng nhà, nữ sinh N. đã dại dột quyên sinh.

Không chỉ vậy, phụ huỵnh này còn chia sẻ nhiều tin nhắn trò chuyện giữa hai mẹ con trước khi em N.T.Y.N. tự vẫn. Em N. nhiều lần tâm sự "chán, không muốn đi học nữa". Sau khi phát hiện sự việc, người mẹ của em Ng. đã hai lần lên gặp ban giám hiệu Trường THPT chuyên ĐH Vinh để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái. Phụ huynh này cũng đã đến gặp hiệu trưởng để trao đổi, có lần vì thầy hiệu trưởng đi vắng nên đã nhờ giáo viên khác chuyển lời. 

Đoạn tin nhắn do người xưng là người thân của em N. đăng tải trên mạng xã hội.
Đoạn tin nhắn do người xưng là người thân của em N. đăng tải trên mạng xã hội.

Người thân của em N. cho biết, gần đây nữ sinh này còn bị một nhóm học sinh trong lớp chặn đường để đánh. Người mẹ đã phải đến tận trường đón con gái nên chưa có việc gì xảy ra. Sau vụ việc lần đó, chị đã điện thoại phản ánh trực tiếp cho cô giáo chủ nhiệm.

Cô giáo đã cho em N. ngồi một chỗ khác, tách với nhóm bạn kia nên em cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, đến tiết cô chủ nhiệm lại bắt em N. và các em đang bị cô lập đến ngồi chung với nhóm bạn kia.

Về việc vì sao học sinh này nhiều lần xin chuyển lớp nhưng không được, trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/4, ông Phạm Xuân Chung - hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh - cho biết trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em N. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội, với lý do là "muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học". Tuy nhiên, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay vì thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.

Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hoàn thành năm học để đảm bảo trong công tác kiểm tra, đánh giá, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp em N. thời điểm xin chuyển lớp cùng lĩnh vực (khoa học xã hội).

"Em N. hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao hơn phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em Ng. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Sau đó em Ng. không có ý kiến gì khác", ông Chung thông tin.

Ông Chung chia sẻ trước dư luận trái chiều, nhà trường vẫn phải tiếp tục xác nhận thông tin và chưa đưa ra kết luận gì vào lúc này.

Sự việc đang trở thành chủ đề khiến dư luận bàn tán xôn xao. Theo như đoạn tin nhắn của nhóm phụ huynh lớp N. ngay từ đầu năm học (vào tháng 9/2022), một bà mẹ đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng học sinh bỏ tiết, một nhóm học sinh luôn tẩy chay, bắt nạt các bạn nếu vẫn đi học. Có 2 học sinh cùng lớp của bé N. phải chuyển lớp vì bị tẩy chay. Điều này các khiến nhiều người đặt nghi vấn về tình trạng bạo lực học đường tại lớp không chỉ diễn ra một lần mà là rất nhiều lần. 

 Đoạn tin nhắn giữa các phụ huynh của lớp em N. học được lan truyền trên mạng xã hội. 
 Đoạn tin nhắn giữa các phụ huynh của lớp em N. học được lan truyền trên mạng xã hội. 

Dưới các bài đăng trên các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ các câu chuyện về con em mình. Một mẹ có tài khoản Facebook là P.T chia sẻ: “Năm lớp 7, con lớn nhà em cũng từng bị như thế. Về nhà, con khóc lóc đòi chuyển lớp, chuyển trường. Hỏi ra thì cũng là nhóm nọ nhóm kia, không theo chúng nó thế là chúng nó ghét. Em thấy thế, gặp ngay cô giáo trao đổi. Cũng may sau đấy em có hỏi han vài lần thấy con bảo không vấn đề gì nữa nên con vẫn tiếp tục đi học bình thường".

Bà mẹ tên H.H tâm sự: “Con nhà tớ cũng thường bị cô giáo chủ nhiệm mỉa mai, các bạn trong lớp kỳ thị vì nói giọng phổ thông, không nói giọng địa phương như các bạn. Hôm nào con đi học về cũng mang tâm trạng hậm hực. Mẹ bảo chuyển lớp chuyển trường cho con nhưng con bảo để con tự giải quyết. Qua vụ việc này, mình thấy có gì na ná giống câu chuyện của con mình. May mà con nhà mình hay tâm sự với mẹ nên mình biết hết mọi chuyện của con ở lớp”.

Thanh Mai

Hà Nội yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi đông người, không để dịch bùng phát

Hà Nội yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi đông người, không để dịch bùng phát

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 1149 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.