SCB đòi nhóm Trương Mỹ Lan bồi thường 760.000 tỷ đồng, cao hơn cáo trạng xác định
Theo cáo trạng, từ 2012 – 2022, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Đến nay, các khoản vay này còn dư nợ khoảng 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, trong đó Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng.
Người phụ nữ đang bị truy tố về các hành vi tham ô, vi phạm quy định về ngân hàng và đưa hối lộ.
Chiều 14/3, đại diện SCB với tư cách bị hại được trình bày tại tòa, cho rằng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân là chưa phù hợp và tuyên bố không đồng ý với khoản tiền thiệt hại là 498.091 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu.
Phía SCB cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).
Ngoài ra, phía SCB cho biết cơ quan Điều tra chỉ mới tính tiền nợ lãi/phí phát sinh tạm tính đến ngày 17/10/2022 với tổng số tiền hơn 193.315 tỷ đồng. SCB đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tính bổ sung thêm số tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18/10/2022 cho đến ngày 5/3/2024 là 84.515 tỷ đồng. Đó là chưa tính lãi bổ sung đến thời điểm thi hành án xong và số tiền lãi này sẽ tiếp tục phát sinh cho đến khi khắc phục được toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB.
Liên quan đến 1.166 mã tài sản bảo đảm cho 1.284 khoản vay được cáo trạng xác định là “vật chứng của vụ án” và thuộc trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện SCB đề nghị được quyền khai thác, sử dụng, quản lý, không phân biệt tài sản đó có đủ điều kiện pháp lý về tài sản hoặc pháp lý khi thế chấp, cầm cố hay không.
Đối với vật chứng là những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong toả, thu giữ được nêu trong kết luận điều tra, Ngân hàng SCB đề nghị tòa buộc trả lại, bồi thường cho Ngân hàng SCB ngay trong quá trình xét xử theo đúng quy định pháp luật và giao cho SCB toàn quyền khai thác, sử dụng các vật chứng này.
Ngoài ra, theo đại diện SCB, cáo trạng cũng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi Ngân hàng SCB, thay thế bằng các tài sản khác có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.
Trong số 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của bị cáo Lan có 240 tài sản bảo đảm có tổng trị giá trên sổ sách là 487.500 tỷ đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm khác. Từ đó, đại diện SCB đề nghị tòa xem xét có quyết định thu hồi đối với 240 tài sản đã bị hoán đổi ra khỏi SCB để ngân hàng sử dụng khắc phục thiệt hại.
SCB cũng đề nghị HĐXX tiếp tục truy tìm các tài sản chưa bị kê biên của bị cáo Lan, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát và các cá nhân liên quan để có thể đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho SCB, khắc phục tối đa thiệt hại vụ án.
Theo đại diện SCB, đến nay đã xác định có các công ty thẩm định giá gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá MHD, Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú, Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng Kiểm toán và Định giá ATC, Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ về Tài sản, Bất động sản DATC, Công ty Thẩm định giá E Xim đã phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB.
Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các công ty này. Do đó, đại diện SCB đề nghị xem xét trách nhiệm liên đới bồi thường đối với các công ty thẩm định giá có bị cáo trong vụ án.
Đại diện SCB cho rằng thiệt hại vụ án mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn, khiến SCB mất khả năng chi trả tiền gửi của người dân và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt, do đó đề nghị HĐXX xem xét những kiến nghị trên của SCB để ngân hàng không chỉ khắc phục hậu quả mà còn chi trả tiền gửi cho người dân, theo TTXVN.
Đại diện NHNN xin giảm nhẹ cho các bị cáo
Tiếp theo, chủ tọa yêu cầu đại diện NHNN lên trả lời, vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, vậy NHNN có biện pháp gì để tránh tình trạng tương tự như SCB trong tương lai?
Đại diện NHNN cho hay cơ quan này đã rút ra một số kinh nghiệm, thấy rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về các tổ chức tín dụng; cơ chế thanh tra giám sát giữa NHNN với chi nhánh các tỉnh thành phải chặt chẽ hơn.
Cơ chế liên quan giám sát hoạt động đoàn thành tra; giữa người ra quyết định và thành viên đoàn thanh tra cũng cần được nghiên cứu để tăng tính tự quản, đảm bảo sự trung thực của cán bộ.
Về sai lầm của các bị cáo thuộc thanh tra NHNN, NHNN chi nhánh TP.HCM, những người đại diện xin "không bình luận" nhưng cho hay, thời gian gần đây, NHNN có sự tăng cường phối hợp với bộ ngành liên quan như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính hoặc nếu thấy vi phạm sẽ chuyển hồ sơ cho công an.
Luật các tổ chức tín dụng mới cũng được ban hành, bao gồm nội dung nâng cao năng lực Ban kiểm soát để từ đó nâng cao chất lượng giám sát nội bộ của chính ngân hàng vì giám sát của NHNN là từ xa nên giám sát nội bộ rất cần thiết, theo Dân trí.
Cuối cùng, đại diện NHNN cho rằng các bị cáo trong vụ đã có quá trình cống hiến cho NHNN hoặc SCB lại thêm thành khẩn, hối lỗi, phối hợp điều tra, nhân thân tốt… nên đề nghị tòa xem xét tình tiết vụ án, có chế tài phù hợp với họ.