Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho trí thức Đà Nẵng

Các diễn giả đã chia sẻ kiến thức chuyên sâu về quyền SHTT trong nghiên cứu khoa học, quản trị tài sản trí tuệ và phương thức thương mại hóa hiệu quả.

Nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) và kỹ năng sử dụng công cụ SHTT phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng và Hội Nữ trí thức Đà Nẵng tổ chức lớp Tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ”.

Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày 23-24/4/2024 thu hút đông đảo trí thức, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học tham dự trực tiếp tại TP. Đà Nẵng và qua nền tảng Zoom.

Toàn cảnh lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ
Toàn cảnh lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ"

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các diễn giả đã chia sẻ kiến thức chuyên sâu về quyền SHTT trong nghiên cứu khoa học, quản trị tài sản trí tuệ và các phương thức thương mại hóa hiệu quả.

Chia sẻ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học và đơn vị nghiên cứu, ThS Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung – Tây Nguyên cho biết: số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT, đặc biệt là các giải pháp hữu ích, sáng chế và chuyển giao công nghệ, đang gia tăng nhanh chóng, cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này tại Việt Nam.

ThS Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ những lưu ý quan trọng trong việc bảo vệ và quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả tại lớp tập huấn
ThS Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ những lưu ý quan trọng trong việc bảo vệ và quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả tại lớp tập huấn

ThS Nguyễn Thị Thúy cũng chia sẻ những lưu ý quan trọng trong việc bảo vệ và quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả. Khi phát hiện vi phạm, chủ sở hữu cần chủ động thu thập bằng chứng và trình báo cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đồng thời, bà khuyến khích các chủ sở hữu phát triển thương hiệu cho tài sản trí tuệ sau khi được cấp văn bằng để gia tăng giá trị và hiệu quả sử dụng.

“Muốn tài sản trí tuệ có giá trị, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng, chủ sở hữu cần phát triển thương hiệu thông qua việc quảng bá, khẳng định uy tín, nâng cao chất lượng. Còn nếu tài sản trí tuệ được cấp xong đặt trong tủ kính thì không có ý nghĩa gì”, ThS Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh.

Tại lớp tập huấn, nhiều vấn đề liên quan đế việc bảo vệ tài sản trí tuệ, phương thức thương mại hóa và đàm phán chuyển giao khoa học công nghệ được các học viên, trí thức Đà Nẵng quan tâm, thảo luận sôi nổi như: các kênh tra cứu, công cụ để kiểm tra sự trùng lặp các giải pháp hữu ích, sáng chế trước khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ, quyền “thừa kế”, chuyển nhượng tài sản trí tuệ...

Theo chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Minh Lý – Chủ nhiệm nhiệm vụ trong Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ về “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh”, để đưa được một sản phẩm, nhãn hiệu hay một dịch vụ ra bên ngoài thị trường các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học,… có 4 hoạt động để xây dựng thương hiệu.

Hoạt động thứ nhất, xây dựng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đảm bảo năng lực sản xuất một cách ổn định và chất lượng theo cam kết.

Hoạt động thứ hai là tiếp thị, tìm kiếm phát triển kênh phân phối.

Hoạt động thứ ba là đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ liên quan.

Hoạt động thứ tư: truy xét nguồn gốc sản phẩm dịch vụ.

ThS Nguyễn Thị Minh Lý – Chủ nhiệm nhiệm vụ trong Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ về “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh” chia sẻ tại lớp tập huấn
ThS Nguyễn Thị Minh Lý – Chủ nhiệm nhiệm vụ trong Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ về “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh” chia sẻ tại lớp tập huấn

Theo ThS Nguyễn Thị Minh Lý trong quá trình phát triển thương hiệu có 2 việc các doanh nghiệp, các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân… rất hay quên, nhất là các đơn vị sản xuất mới, người khởi nghiệp. Đó là việc đăng ký, bảo hộ các tài sản trí tuệ có liên quan đến sản phẩm dịch vụ của mình.

“Thông thường khi xảy ra vấn đề với tài sản trí tuệ chúng ta mới lại bắt đầu đi kiện cáo rất mất thời gian nhưng đôi khi vẫn không lấy lại được. Nếu chúng ta làm chậm chúng ta sẽ phải mất đi thời gian mà chúng ta đã quảng cáo, PR hộ cho người khác. Nếu bình lặng nhất, khi sản phẩm vừa kịp nổi tiếng thì cũng là lúc nhận ra cần phải đăng ký bảo hộ thì có khi đã bị lấy mất rồi”, bà Lý nói đã có rất nhiều bài học đau xót trong việc mất tài sản trí tuệ trên đất nước chúng ta và hi vọng các trí thức quan tâm để luôn là người đến trước trong đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

Đồng thời, ThS Nguyễn Thị Minh Lý cũng nhắc nhở các học viên về việc thường hay quên truy xét nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Trong khi truy xét nguồn gốc sản phẩm dịch vụ là “bảo chứng” khi xảy ra tranh chấp để chứng minh sản phẩm nào là thực chất để nếu bị nhái, giả vẫn đòi lại được.

Tại Lớp Tập huấn, ThS Vũ Thùy Liên – Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia - hướng dẫn tìm kiếm và khai thác thông tin khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Đồng thời, nhắc nhở các thầy cô và nhà nghiên cứu luôn phải tra trùng các đề tài nghiên cứu trước để không bị nghiên cứu lặp lại.

ThS Lê Thị Khánh Vân – Nguyên phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Quốc gia – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam chia sẻ 10 quy tắc đơn giản để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
ThS Lê Thị Khánh Vân – Nguyên phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Quốc gia – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam chia sẻ 10 quy tắc đơn giản để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

ThS Lê Thị Khánh Vân – Nguyên phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Quốc gia – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã hướng dẫn phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công.

Kết quả nghiên cứu khoa học có đáp ứng được nhu cầu thị trường không là vấn đề rất quan trọng trong thương mại hóa. Các nhà khoa học không có kiến thức kinh doanh nên rất khó có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình nếu không tìm thấy đối tác phù hợp. Việc lựa chọn phương thức nào để chuyển giao công nghệ cũng phải suy tính kỹ càng. ThS Lê Thị Khánh Vân đã chia sẻ cho học viên 10 quy tắc đơn giản để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Một yếu tố quan trọng trong  đàm phán hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ là cả hai bên cùng thắng, đảm bảo lợi ích của hai bên.

Đây là một trong những hoạt động triển khai Nhiệm vụ “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh” thuộc “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” của Bộ KH&CN do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý.

Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả và học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm

PV

Tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”

Tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược nghiên cứu, phát triển Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045