200 công nhân nhà máy thủy điện mắc kẹt trong rừng ở Quảng Nam kêu cứu

Lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận khoảng 200 công nhân nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 đang bị mắc kẹt trong rừng sau vụ sạt lở.

Chiều 29/10, khi đang dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận hiện trường vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nhận được thông tin về 5 nhóm công nhân bị cô lập ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Ông Quảng cho biết 5 nhóm công nhân gồm khoảng 200 người, đều làm việc tại nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 . Chiều hôm qua, 28/10, họ đang thi công hồ đập của công trình thì khu vực này xảy ra sạt lở.

Ông Quảng (bên phải)  bàn bạc với lực lượng chức năng về công tác cứu trợ. Ảnh: Zing
Ông Quảng (bên phải)  bàn bạc với lực lượng chức năng về công tác cứu trợ. Ảnh: Zing

Mọi người bỏ chạy khỏi hiện trường rồi mất liên lạc với nhau. Khi bão số 9 đi qua, những người này bị cô lập nên gọi điện cho cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết hiện chính quyền huyện Phước Sơn đang triển khai các giải pháp tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khoảng 200 công nhân đang bị cô lập do sạt lở.

Phương án ưu tiên là cho người đưa hàng theo đường sông, sau đó ngành chức năng sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ cho công nhân.

Ông Hà cho hay, từ chiều nay đến ngày mai (30/10), lực lượng chức năng sẽ cố gắng đưa lương thực, thực phẩm vào khu vực biệt lập càng nhanh càng tốt.

"Trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thủy, chúng tôi tính phương án đưa lương thực bằng máy bay, rồi thả xuống cho các điểm có công nhân", ông Hà cho biết thêm.

Đường vào công trường đã bị sạt lở nghiêm trọng nên công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.
Đường vào công trường đã bị sạt lở nghiêm trọng nên công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.

Xác nhận thông tin, ông Lê Xuân Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2), cũng đang mắc kẹt giữa rừng, cho biết trên công trường thi công thủy điện hiện có khoảng 200 công nhân mắc kẹt với 5 tốp khác nhau.

Các tốp công nhân đang ở những khu vực an toàn dọc sông Đăk Mi và khu vực đập thủy điện.

Cũng theo ông Tuấn, hiện mọi người vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa 30/10. Sang ngày 31/10 thì không còn thức ăn gì nữa.

Ông Tuấn đã liên hệ với các ngành chức năng để báo tình hình và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương