5 bệnh nhân Covid-19 đặc biệt từng nhiều lần xét nghiệm âm tính

Vừa qua, Việt Nam ghi nhận 5 trường hợp từng có ít nhất 2 lần xét nghiệm PCR âm tính trước khi phát hiện ra mắc Covid-19

Việt Nam đến nay đã ghi nhận 431 ca mắc, trong đó có 389 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Trong vòng 15 ngày, số lượng bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn mới đã nhiều hơn tổng số bệnh nhân giai đoạn trước đó. 5 bệnh nhân từng có có 2-3 lần xét nghiệm âm tính, cá biệt có nhân viên y tế được điều đi tăng cường mới phát hiện nhiễm Covid-19.

Bệnh nhân 669, L.Đ.N., 50 tuổi là bác sĩ khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, là chồng của bệnh nhân 595. Ngày 19/7, ông N. cùng vợ ra Đà Nẵng thăm bố vợ tại BV Đà Nẵng. Ngày 20/7, ông quay lại Đồng Nai làm việc tại bệnh viện bình thường, còn vợ ở lại Bệnh viện Đà Nẵng đến ngày 27/7 mới về nhà.

Ông đã tự cách ly ở nhà từ ngày 25/7, đến 27/7, ông vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR (PCR) cho kết quả âm tính, sau đó về nhà tự cách ly đến ngày 31/7.

Ngày 1/8, sau khi phát hiện chị vợ (bệnh nhân 510) dương tính, hai vợ chồng ông N. tiếp tục vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai xét nghiệm. Bệnh viện đã lấy mẫu và gửi đến 3 cơ sở y tế trên địa bàn đề nghị xét nghiệm. Kết quả, vợ ông N. dương tính, được chuyển ngay đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai điều trị, riêng ông N. vẫn âm tính.

Đến ngày 3/8, ông N. được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

5 bệnh nhân Covid-19 đặc biệt từng nhiều lần xét nghiệm âm tính

Bệnh nhân 807, V.T.H., 25 tuổi, nữ điều dưỡng khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Từ 26/7 đến 2/8, chị H. cách ly và làm việc trong khoa, có tiếp xúc với đồng nghiệp trong khoa và các bệnh nhân nằm điều trị tại đây.

Ngày 26/7, bệnh nhân được lấy mẫu máu xét nghiệm kháng thể Covid-19. Ngày 27/7, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm PRC và cho kết quả âm tính. Ngày 3-5/8, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tập trung.

Chiều 6/8, chị H. được tăng cường sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân, có xe đưa đón. Sau đó, bệnh nhân được phân công làm việc tại khoa Hồi sức - Cấp cứu. Sau giờ làm, bệnh nhân về phòng nghỉ ngơi với một điều dưỡng cùng khoa nhưng do giờ trực khác nhau nên ít tiếp xúc.

14h ngày 7/8, bệnh nhân được xe đưa đón nhân viên chở đến Bệnh viện Phổi để lấy mẫu xét nghiệm. Tối cùng ngày, bệnh nhân vẫn đi trực bình thường. Đến chiều ngày 8/8, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 817 và 818 có 1 lần xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 26/7, sau đó 1 người tiếp tục làm việc tại khoa, 1 người được tăng cường đến Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang. Khi xét nghiệm lại lần 2 vào ngày 8/8 mới khẳng định mắc Covid-19.

Bệnh nhân 812, 63 tuổi ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên giao hàng Pizza ở quận Cầu Giấy, làm cùng cửa hàng với bệnh nhân 447, có tiếp xúc gần. 

Ngày 29/7 bệnh nhân được Trung tâm y tế Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 1 có kết quả âm tính, được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Công an Thành phố.

Ngày 3/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn cách ly điều trị.

Ngày 4/8, Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 và cũng cho kết quả âm tính.

Ngày 7/8 khi các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), ngày 8/8 cho kết quả khẳng định mắc Covid-19.

Bệnh nhân 587 và 588, từ Nga về sân bay Vân Đồn sáng 17/7 trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hoà Bình. 2 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm PCR 2 lần đầu đều âm tính, kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 1/8 trước khi hết hết hạn cách ly của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lại khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

PGS.TS Trần Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết có 3 khả năng khiến xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện:

- Đầu tiên là do bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng lượng virus nhân lên chưa đủ để hiện kết quả dương tính.

- Thứ hai, có thể do người lấy mẫu không chuẩn nên mẫu bệnh phẩm không chứa virus.

- Thứ ba, có thể liên quan đến trang thiết bị xét nghiệm và hoá chất xét nghiệm.

Theo nghiên cứu thường thì nhiễm Covid-19 ủ bệnh từ 1 - 14 ngày nhưng vẫn có trường hợp ủ bệnh đến 24-25 ngày, do đó rất nhiều người dù không có triệu chứng nhưng vẫn lây bệnh trong thời kỳ ủ bệnh.

Thanh Mai

Số người nghèo cùng cực có dấu hiệu tăng nhanh vì dịch COVID-19

Số người nghèo cùng cực có dấu hiệu tăng nhanh vì dịch COVID-19

Sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu hiện phụ thuộc lớn vào thời gian kéo dài dịch bệnh.