Báo chí quốc tế bất ngờ dù GDP Việt Nam quý II chỉ tăng 0,36%

Trang Bloomberg của Mỹ đề tựa: “Nền kinh tế của Việt Nam bất ngờ tăng trưởng trong bối cảnh virus bùng phát” khi có bài viết về thành tựu kinh tế của Việt Nam trong quý II/2020.

Bloomberg dùng từ “bất ngờ” là vì mặc dù có tốc độ chậm nhất trong gần 10 năm qua nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm vì đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới.

Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước tăng 0,36% so với quý II/2019. Mức tăng trưởng vẫn tiếp tục dương dù con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 3,68% trong quý đầu năm. Trung bình, nền kinh tế quốc dân trong 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng 1,81%.

Dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam đang bị “đánh gục” khi COVID-19 đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tổn thương nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giới. Nhưng Bloomberg vẫn đánh giá, Việt Nam tiếp tục có khả năng là một trong những nước có kinh tế hoạt động tốt nhất ở Đông Nam Á trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng kỳ vọng nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng 4%-5% trong năm nay. Một trong những động lực quan trọng là Chính phủ sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp đang muốn điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình.

Với việc tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2020 ở mức 1,81%, việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8% của Chính phủ là không thể, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết. Tổng cục đề xuất sửa đổi mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

"Mục tiêu tăng trưởng 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%", vị này nhận định.

Ông Hùng cũng nói thêm, từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991, chưa bao giờ Tổng cục ghi nhận mức tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp như con số trên. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nhận định: “Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Hãng thông tấn Reuters cho rằng, mức dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) rất có thể sẽ là mức gần nhất với tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm nay. Trước đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 2,7% vào năm 2020.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm 1,1% so với 6 tháng năm 2019, xuống còn 121,21 tỷ USD. Nhập khẩu giảm 3,0% xuống còn 117,17 tỷ USD.

Riêng trong tháng 6, xuất khẩu đã giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 5,3%. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu đang hy vọng về ngành ngoại thương khi Việt Nam đã thặng dư thương mại 500 triệu USD trong tháng 6, so với mức thâm hụt 900 triệu USD của tháng trước. 

Sắp tới, nội thương tiếp tục được xem là trụ cột để phục hồi các ngành phục vụ tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,17% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2019, tăng từ mốc 2,4% trong tháng 5/2020. Chính phủ đặt mục tiêu giới hạn lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương