Đại diện Sở LĐTB&XH: Cuối 2020, Hà Nội sẽ có hơn 100.000 lao động mất việc

Do tác động của dịch COVID-19, vào khoảng tháng 7 và tháng 8 sẽ là cao điểm của sa thải, cắt giảm nhân sự.

PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết đến cuối năm 2020, hơn 100.000 lao động Hà Nội sẽ mất việc do tác động của dịch Covid-19. Cao điểm của sa thải, cắt giảm nhân sự sẽ diễn ra vào tháng 7, tháng 8.2020 và sẽ còn kéo dài theo tình hình của dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các DN trong ngành du lịch cố cầm cự để giữ chân NLĐ, mong qua dịch sẽ có lượng khách du lịch hồi phục lại. Tuy nhiên hiện Việt Nam chưa đón du khách nước ngoài vì vậy ngành du lịch hết sức khó khăn nên đang có động thái rà soát nhân sự để cho nghỉ. Tương tự, nhiều ngành khác cũng thế.

Ông Nguyễn Hồng Dân - PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội.
Ông Nguyễn Hồng Dân - PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội.

Từ tháng 4 có khoảng 65.000-67.000 lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 100.000 người. Căn cứ số người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong 6 tháng đầu năm đã lên tới gần 40.000 người. Riêng quý 2.2020, con số tăng thêm 70,8% so với quý 1.2020.

Sở Lao động Thương binh & Xã hội đã chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra, thu thập, lưu trữ thông tin về thị trường lao động. Hết tháng 7, Sở sẽ chỉ đạo TTDVVL phân tích những dữ liệu này sau khi điều tra khảo sát để đưa ra dự báo cụ thể. 

Ông Dân đánh giá, do tình hình dịch bệnh, tình hình thị trường lao động sụt giảm mạnh chưa từng thấy. Sở tiếp tục chỉ đạo các quận huyện, sở ngành thực hiện kế hoạch của Thành phố, là vẫn duy trì thực hiện 5 giải pháp cơ bản:

Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đầu tư, khởi nghiệp, phát triển các doanh nghiệp để tạo việc làm mới. Thời gian vừa qua, Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị về hợp tác đầu tư, thu hút khoảng 282 dự án với số vốn trên 450.000 tỉ đồng. Theo dự kiến, 282 dự án này sẽ thu hút hàng chục nghìn lao động trên địa bàn thành phố nên phải chuẩn bị đón đầu ngay từ bây giờ.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách rà soát, chỉ đạo khối đào tạo nghề của TP. Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đầu vào, đầu ra.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện do dịch, mới có Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản bắt đầu mở cửa trở lại. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Bốn là, tăng cường đề nghị thành phố việc ủy thác nguồn vốn ngân sách thành phố sang  Ngân hành Chính sách xã hội để tổ chức cho vay giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2020 đến nay, có hơn 30.000 NLĐ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Năm là, tập trung cho việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Hiện đã thêm 13 điểm sàn trên địa bàn 13 quận, huyện để tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động cho NLĐ và cho người sử dụng lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động.

"Chúng tôi cũng nhận thức nỗ lực giải quyết việc làm không chỉ phụ thuộc ngành LĐTBXH mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Hiện nay, do DN đối diện nhiều khó khăn, số lao động bị mất việc làm khá lớn. Lực lượng này khi đến TTDVVL thực hiện chính sách BHTN chúng tôi tăng cường tư vấn tại chỗ để NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động. Vừa tư vấn giới thiệu việc làm, NLĐ có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề sẽ đào tạo lại,... là những giải pháp chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới", ông Dân cho biết.

Do DN đối diện nhiều khó khăn, số lao động bị mất việc làm khá lớn, quan trọng nhất vẫn là giải pháp tăng trưởng thúc đẩy kinh tế - đây là giải pháp số 1. Hỗ trợ doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho NLĐ.

Ông Nguyễn Hồng Dân cũng cho biết, về các dự án hứa hẹn giải quyết công ăn việc làm cho NLĐ, hiện Sở chưa đưa ra kịch bản cụ thể nào vì hiện vẫn đang điều tra thu thập và lưu trữ thông tin thị trường lao động. 

"Phải là khi có con số chính thức, biết được thực trạng hiện nay DN cắt giảm nhân sự ra sao, tình hình NLĐ mất việc làm như thế nào thì đó mới đưa ra dự báo, từ dự báo mới xây dựng kịch bản cụ thể", ông Dân nhấn mạnh.

Sở đang xây dựng các công việc cần thiết để đưa ra các kịch bản ứng phó, tuy nhiên điểm rơi của tình trạng sa thải, mất việc là tháng 7, tháng 8.2020 và kéo dài đến hết 2020, khi DN không cầm cự nổi và tiến hành rà soát bộ máy.

Nếu phải đưa ra kịch bản thời điểm này chỉ là dự báo chung. Về dự báo tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ đưa ra tình huống tồi tệ nhất để có giải pháp ứng phó.

Thanh Mai

Trên 10.000 lao động tại Đồng Nai tạm dừng đóng bảo hiểm do dịch COVID-19

Trên 10.000 lao động tại Đồng Nai tạm dừng đóng bảo hiểm do dịch COVID-19

Theo Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuối tháng 6/2020, tỉnh Đồng Nai có gần 10.500 lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.