Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Hồng Kông, chờ Tổng thống Trump phê duyệt

Hạ viện Mỹ hôm 20/11 đã thông qua phiên bản dự luật về Hong Kong với tỷ lệ áp đảo 417 phiếu thuận, 1 phiếu chống.

Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết dự luật có khả năng sẽ được ký thành luật. Nếu thông qua, dự luật có thể mở đường cho việc trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Hồng Kông.

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” với tỷ lệ hoàn toàn áp đảo 417-1, theo Jeff Sagnip, Giám đốc Chính sách cho Chris Smith, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bảo trợ dự luật.

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật hôm 19/11.

Theo dự luật mà Thượng viện Mỹ đã thông qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ phải xác nhận ít nhất một lần mỗi năm rằng Hồng Kông vẫn duy trì được mức độ tự trị đủ để đảm bảo được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ trao cho đặc khu này. 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: AFP.

Quy chế này giúp Hồng Kông tránh khỏi những đòn thuế quan mà Washington áp đặt lên hàng hóa Bắc Kinh từ năm ngoái.

Dự luật cũng quy định việc trừng phạt các cá nhân và tổ chức vi phạm những quyền tự do theo Luật Cơ bản Hong Kong và chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ không từ chối cấp visa cho những người bị bắt hoặc bị giam giữ vì “động cơ chính trị” ở đặc khu.

“Quốc hội gửi đi một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng Mỹ luôn đồng hành với những người yêu tự do ở Hong Kong và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do của họ”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói hôm 20/11. 

Quốc hội Mỹ đã hành động nhanh chóng để hoàn thiện dự luật trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Hong Kong giữa cảnh sát và sinh viên trong những ngày gần đây.

Theo tờ SCMP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua triệu quyền đại sứ Mỹ William Klein để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" việc thượng viện Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Bắc Kinh chỉ trích quyết định của thượng viện Mỹ, khẳng định sẽ áp dụng những bước đi cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Người biểu tình Hồng Kông.
Người biểu tình Hồng Kông.

Việc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật dường như được thúc đẩy bởi tình hình căng thẳng leo thang gần đây ở Hồng Kông khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) từ hôm 17/11.

Cảnh sát triển khai lực lượng vây bên ngoài trường suốt hơn 4 ngày qua và sử dụng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng để ngăn cản những người trốn ra ngoài mà không giao nộp mình. Khoảng 1.100 người biểu tình bị bắt tại PolyU trong hai ngày 18 và 19/11. 800 người đã rời khỏi ngôi trường để "đầu hàng" theo lời kêu gọi của cảnh sát, tuy nhiên, còn khoảng 100 người vẫn cố thủ bên trong PolyU.

Biểu tình Hồng Kông ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam từ chức.

MINH TUẤN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương