Hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/người trong thời gian cách ly

Ngày 9/3, Sở Y tế Hà Nội đề nghị xem xét hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Ngày 2/3, liên Sở: Tài chính, Y tế đã có tờ trình 1157/TTr:TC-YT báo cáo UBND thành phố về việc xem xét, xin ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND thành phố và quyết định hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế , cưỡng chế cách ly y tế.

Theo đó, đối với các trường hợp cơ sở cách ly y tế (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị cách ly y tế , cưỡng chế cách ly y tế thì không thu tiền của người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế đã phát sinh, tối đa không quá 80.000đ/người/ngày. 

Trong thời gian từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trên cơ sở công văn đề nghị của Bộ Y tế, liên Sở: Y tế, Tài chính đề xuất UBND thành phố cho phép các cơ sở cách ly y tế cung cấp suất ăn miễn phí cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian cách ly, đối tượng được hưởng là người Việt Nam, người nước ngoài bị áp dụng cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại các cơ sở cách ly.

Mỗi cá nhân bị cách ly sẽ được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày.
Mỗi cá nhân bị cách ly sẽ được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày.

Nguồn kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Trong trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.

Cơ sở được giao nhiệm vụ cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị cách ly. Trường hợp người bị áp dụng cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn riêng theo nhu cầu của mình nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị cung cấp thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm (nếu có).

Việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 5/3, Thành ủy Hà Nội có thông báo về kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tính toán nguồn kinh phí dự phòng của thành phố theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để chủ động mua sắm vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch (máy đo thân nhiệt, thuốc, xà phòng...) và hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly không có khả năng chi trả, đối tượng chính sách, người nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 16 ca đã được chữa khỏi và xuất viện, 15 ca đang được điều trị. Ngoài ra, tính đến 20h ngày 9/3, có 210 trường hợp nghi nhiễm (có dấu hiện sốt, ho, đến từ vùng dịch) được cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây ra cộng đồng, 20.075 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

PV

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương