Hồi sinh xu hướng phát hành sản phẩm âm nhạc dưới dạng CD, Castte hay Vinyl trong showbiz Việt

Thực tế thì thị trường băng đĩa ca hoàn toàn chết hẳn. Và trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường bắt đầu sôi động trở lại.

Không chỉ là phát hành album, sản phẩm đầu tay của cô gái trẻ này còn là một combo với postcards, quà tặng. Được biết sau phiên bản CD, đĩa nhạc có thể sẽ phát hành cả băng cassette và thậm chí… vinyl nếu được đón nhận.

Khoan nói về câu chuyện chất lượng âm nhạc. Cách làm của ê-kíp đứng sau Amee khá khác thường trên thị trường nhạc Việt khi mà họ chọn phát hành sản phẩm vật lý thay vì chỉ tấn công thị trường trực tuyến, điều mà cách đây mấy năm chính những cái tên hạng A như Đàm Vĩnh Hưng hay Hà Hồ cũng phải lắc đầu từ chối vì hiệu quả quá thấp về nhiều mặt.

Sản phẩm âm nhạc mới của Amee đáng để những ca sĩ đang chạy theo xu hướng trên YouTube phải suy nghĩ lại
Sản phẩm âm nhạc mới của Amee đáng để những ca sĩ đang chạy theo xu hướng trên YouTube phải suy nghĩ lại

Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng của thị trường đang thay đổi và phát hành CD như cách Amee làm không hề là cuộc chơi vô nghĩa.

Đúng như Nguyễn Hải Phong nhận xét, một thế hệ ca sĩ ở Việt Nam hiện nay dường như đang mất thói quen “phát hành album”. Sự bùng nổ của thị trường nhạc số là cú hích lớn với Vpop mấy năm qua nhưng một trong những mặt trái có lẽ là nó đang khiến các ca sĩ Việt “lười” sáng tạo. Trong thị trường nhạc đại chúng từ lâu đã có khái niệm “one hit wonder” chỉ những cái tên nổi tiếng chỉ nhờ một bài hit và có lẽ kiểu ca sĩ như thế này ở Việt Nam trên Internet là rất nhiều.

Lý giải về điều đó, một nhà sản xuất trong nước chi biết: “Đơn giản thôi, ‘trending’ chính là ‘trending’. Xu hướng của thị trường nhạc số ở Việt Nam là… nằm trong top xu hướng tìm kiếm của YouTtube. Nhiều bạn ca sĩ trẻ bây giờ cứ ra bài, cứ đẩy lên mạng. Nếu bài hát được quan tâm và đạt lượng tiếp cận lớn trên mạng xã hội thì đó là cơ hội để họ nổi tiếng. Rồi được mời đi diễn và thậm chí bán được bài hát cho những phương thức quảng cáo mới. Quy trình đó quá nhanh khiến các bạn trẻ có thể cảm thấy mình đang ‘thành công’ đôi khi với chỉ 1 bài hát.”

Không thể phủ nhận quy trình “tốc hành” đó tạo cơ hội cho rất nhiều giọng ca mới được biết tới và đặc biệt là mở đường cho cộng đồng nghệ sĩ độc lập, nghệ sĩ underground “bước ra ánh sáng” và tạo vị trí trong thị trường như trường hợp của Sơn Tùng MTP, Đen, Ngọt, Tiên Tiên, Cá Hồi Hoang… Bởi môi trường internet đã khiến vai trò của mô hình hãng sản xuất, nhà sản xuất hay các ông bầu bị giảm đi đáng kể. Thậm chí, giờ đây chính “phe” chuyên nghiệp phải lao lên mạng và tìm kiếm những cái tên có tiềm năng để chăm bón.

Môi trường internet đã khiến vai trò của mô hình hãng sản xuất, nhà sản xuất hay các ông bầu bị giảm đi đáng kể.
Môi trường internet đã khiến vai trò của mô hình hãng sản xuất, nhà sản xuất hay các ông bầu bị giảm đi đáng kể.

Xu hướng mới về tiếp cận âm nhạc trực tuyến cũng làm sụp đổ cả một nền sản xuất băng đĩa trong nước. Trong một chia sẻ trên báo Doanh nhân Sài Gòn năm 2017, bà Thu Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Việt Nam khi đó cho biết: "Khoảng năm 2005, dù bị ảnh hưởng bởi internet, doanh thu của ngành vẫn đạt hơn 20 tỷ đồng, nhưng đến 2016 chỉ còn 9 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 chỉ kỳ vọng đạt 7 tỷ đồng". Trong năm đó, giải thưởng âm nhạc Cống hiến cũng phải loại bỏ hạng mục Album của năm vì không tìm được đủ ứng viên đề cử.

“Sự thoái trào của các định dạng đĩa nhạc vật lý là xu hướng chung của thế giới. Nhưng với riêng thị trường Việt Nam, điều đó ảnh hưởng lớn tới cách mà các nghệ sĩ làm nghề. Sản xuất một đĩa nhạc đòi hỏi nhiều yếu tố như khối lượng ca khúc, nhà sản xuất, ghi âm… nhưng khi một ca sĩ thực hiện một album như thế thì tư duy và năng lực của người ca sĩ đó mới thực sự được khẳng định bởi phải là một đĩa nhạc chỉn chu mới lột tả được thực sự phong cách và cá tính âm nhạc của chủ nhân nó.” – nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.

Thực tế thì thị trường băng đĩa ca hoàn toàn chết hẳn. Hàng năm vẫn có những đĩa nhạc được phát hành nhưng hiệu ứng thực tế là không cao. Và trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường bắt đầu sôi động trở lại.

Ở nhóm các ca sĩ nổi tiếng, Đức Tuấn cần phải nhắc đến như người trung thành và kiên trì nhất với con đường làm album. Anh vẫn đều đặn ra đĩa và mỗi sản phẩm được đầu tư rất bài bản, chỉn chủ về cả nội dung và hình thức. Chính điều này giúp Đức Tuấn tạo được một cộng đồng khán giả rất trung thành với anh, đó là những người chơi đồ âm thanh và nghe nhạc sành.

Cần phải nói rằng đã có một cú hích nhẹ nhưng vừa đủ làm nóng lại thị trường băng đĩa trong nước, thậm chí ít nhiều còn tạo ra cách tiếp cận mới cho những sản phẩm vật lý tưởng chừng đã bị hoàn toàn lãng quên.

Hãy nói về một trong những hiện tượng nổi bật của làng nhạc năm ngoái là Hoàng Thuỳ Linh và album “Hoàng”. Đĩa nhạc này đã đem về cho nữ ca sĩ 4 giải Cống hiến trong đó có hạng mục Album của năm. Điểm cần nói ở đây là album này được phát hành đầy đủ 4 định dạng thưởng thức: nhạc số, CD, cassette và vinyl. Riêng phiên bản CD đã phải in tới 2 đợt.

Khó mà nói được chính xác về hiệu quả tài chính mà các định dạng vật lý của đĩa nhạc mang lại cho nữ ca sĩ. Nhưng rõ ràng Hoàng Thuỳ Linh và ê-kíp của cô đã có một chiến lược rất bài bản cho sản phẩm của mình. Và một trong những điểm “thắng” của họ là nhìn thấy xu hướng thị trường băng đĩa trong nước đang sinh động.

Album Hoàng của Hoàng Thùy Linh được phát hành dưới 4 định dạng: nhạc số, CD, cassette và vinyl
Album Hoàng của Hoàng Thùy Linh được phát hành dưới 4 định dạng: nhạc số, CD, cassette và vinyl

Sự sinh động đến từ trào lưu quay lại với các định dạng vật lý như đĩa CD, đĩa vinyl thậm chí cả băng cassette của khách hàng trẻ. “Phong trào retro (tạm dịch: hoài cổ) lan vào chính thị trường băng đĩa. Nhóm khán giả trẻ quay lại với các thiết bị nghe nhạc như máy nghe băng cá nhân Walkman hay đầu đĩa than khiến chính các ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài cũng phải phát hành sản phẩm mới trên đầy đủ các định dạng vật lý nhưng với thiết kế bắt mắt, hiện đại, đánh đúng tâm lý thích sự khác biệt nhưng vẫn rất thời thượng của giới trẻ” – anh Hùng, chủ một tiệm băng đĩa tại Hà Nội cho biết.

Hai năm gần đây, thay vì chỉ nhập về những lô CD hay vinyl nhạc cổ điển hoặc nhạc của những thập niên trước, các cửa hàng băng đĩa ở Việt Nam cũng bán các sản phẩm âm nhạc rất mới của nghệ sĩ nước ngoài trên các định dạng khác nhau. Thậm chí có cả một cuộc cạnh tranh nhỏ giữa các cửa hàng để có thể đặt trước bản CD hay vinyl của những cái tên rất hot như Taylor Swift hay Lana Del Rey để phục vụ khách hàng trẻ.

Tất nhiên, nghệ sĩ trong nước không thể đứng ngoài cuộc thị trường. Những phép thử như của Hoàng Thuỳ Linh cho thấy việc một nữ ca sĩ như Amee phát hành CD album đầu tay thay vì ca khúc đơn lẻ là điều hoàn toàn có cơ sở.

Trong thời đại này, khó mà nói được một xu hướng sẽ tồn tại bao nhiêu lâu. Nhưng rõ ràng thị trường âm nhạc luôn vẫn có những nền tảng và chuẩn mực của nó. Và một cái tên sẽ mãi chỉ là một hiện tượng nếu như không vượt qua được cái bóng của bản hit duy nhất. Và ngược lại, những album nhạc vẫn luôn là tiêu chí cơ bản để đánh giá người nghệ sĩ dù ở giai đoạn nào và trong xu hướng nào của thị trường.

Độc Cầm

Những đám cưới được mong chờ của showbiz Việt tháng 11

Những đám cưới được mong chờ của showbiz Việt tháng 11

Mùa cưới, sẽ có những sao Việt nào làm cô dâu chú rể trong tháng 11 tới?