"Không có chuyện Biên phòng tiếp tay cho bất kỳ đối tượng nào xuất nhập cảnh trái phép"

"Khó khăn lớn nhất là có sự tiếp tay của cư dân và các đối tượng ở hai bên biên giới", Đại tá Khanh nói.

Thời gian gần đây, việc liên tiếp phát hiện vụ việc đưa người xuất nhập cảnh trái phép ở các khu vực biên giới, đặc biệt là đưa người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam đang khiến dư luận lo lắng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Trao đổi với VOV, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, Đại tá Nguyễn Phi Khanh cho biết tại địa phương cũng có một số sự việc như vậy. Ông Khanh cho rằng, đây là sai sót trong quản lý biên giới tuy nhiên không có chuyện biên phòng tiếp tay cho các đối tượng.  

Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai
Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai

Đại tá Khanh nhấn mạnh, qua rà soát, kiểm tra, không có trường hợp cán bộ, chiến sĩ nào lơ là, làm ngơ cho xuất nhập cảnh trái phép.

"Khó khăn lớn nhất là có sự tiếp tay của cư dân và các đối tượng ở hai bên biên giới, lợi dụng thông thạo mọi đường ngang ngõ tắt, nắm bắt được thời gian trọng điểm tăng cường của Biên phòng để trốn tránh sự kiểm soát”, ông Khanh cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Phi Khanh, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý biên giới gắn với phòng chống dịch Covid-19 được các đơn vị địa phương triển khai mạnh mẽ. Lực lượng Biên phòng địa phương cũng đã khởi tố 2 vụ án liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về xuất nhập cảnh trái phép” và “Tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới”; đang tiếp tục điều tra 01 chuyên án, 01 vụ án có hành vi tương tự.

Qua khai thác ban đầu có thể thấy, phí giao dịch để đưa đón người qua biên giới rất lớn, dù các đối tượng biết là phạm pháp nhưng vẫn bất chấp thực hiện. Theo ông Khanh thì các chi phí như tiền xe ôm, taxi trung chuyển đã cao gấp nhiều lần so với bình thường. 

“Mong rằng các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch, nhất là ở khu vực biên giới, phải làm sao tạo công ăn việc làm cho người dân để họ không vì hám lợi trước mắt mà tiếp tay cho các phần tử đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép. Lực lượng trong nội địa cũng cần tăng cường kiểm tra tạm trú tạm vắng, đăng ký kê khai, kịp thời phối hợp ngăn chặn triệt để”, Đại tá Khanh cho biết.

Đại tá Khanh cũng nhận định, hiện đội ngũ bố trí cho công tác phòng chống dịch ở biên giới so với chiều dài gần 200km đường biên còn mỏng. Đôi khi, sự phối hợp giữa lực lượng địa phương biên giới với bộ đội Biên phòng còn chưa chặt chẽ vì có nhiều khó khăn. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Như Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Xát (Lào Cai), dể bổ sung nhân lực cho các điểm chốt chặn, tổ đội tuần tra, Đồn đã lên kế hoạch trao đổi, xin tăng cường dân quân, quân sự, công an từ các xã biên giới trên địa bàn và nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên để đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục 24/24h, mỗi ngày 2 – 3 ca thì không thực hiện được.

“Khó khăn vì không có kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia. Vào giai đoạn cao điểm thì vẫn triển khai phối hợp, nhưng để duy trì thường xuyên thì rất khó. Ngay cả vào những lúc mùa vụ, nhiều nhân lực tham gia phải về giúp gia đình thì cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung”, Thiếu tá Khánh cho biết.

Tại biên giới Lào Cai, các đơn vị vẫn tăng cường quân số của các đồn biên phòng ngày đêm tuần tra, kiểm soát với 52 chốt trực 24/24, dựng lều dã chiến tại các điểm hiểm trở, trọng yếu suốt 6 tháng qua.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đang nghiên cứu, xem xét kiên cố hóa các chốt, nhằm đảm bảo sức khỏe, đời sống cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

Thanh Mai

Các võ sư Trung Quốc đã tới vùng biên giới Ấn Độ trước khi đụng độ xảy ra

Các võ sư Trung Quốc đã tới vùng biên giới Ấn Độ trước khi đụng độ xảy ra

Theo tờ báo này, các nhà leo núi và võ sư được triển khai gần biên giới với Ấn Độ trước cuộc đụng độ xảy ra giữa hai bên.