Không còn ông Nguyễn Bá Dương, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons 'lao dốc không phanh'

Sau khi không còn người Việt nào trong HĐQT, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons giảm không phanh ngang mức hơn 5 năm về trước.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2020 . Trong ba tháng đầy biến cố vừa qua, nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam lần đầu ghi nhận những chỉ số cực kỳ khiêm tốn sau nhiều năm tung hoành.

Doanh thu và lợi nhuận thấp nhất kể từ quý II/2015

Mở đầu trang báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2020, Coteccons gây bất ngờ với con số 2.775 tỷ đồng doanh thu thuần. Mức doanh thu này gây bất ngờ trước hết vì đã giảm 25,5% so với quý trước và giảm tới 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng điều gây bất ngờ hơn cả là khi đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2015 đến nay.

Chẳng những doanh thu giảm không phanh mà giá vốn được ghi nhận bằng gần 94% doanh thu. Điều này kéo biên lợi nhuận gộp của Coteccons về mức 6%. Đây cũng là mức biên lãi gộp thấp kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ năm 2015.

Coteccons không tốn một xu cho chi phí tài chính trong quý này nhưng vẫn không tiết giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp, vẫn duy trì ở mức hơn 102 tỷ đồng.

Doanh thu giảm kéo lợi nhuận sau thuế trong quý III/2020 về mức 88,6 tỷ đồng. Lãi ròng trong kỳ giảm 44% so với quý trước và giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Coteccons kể từ quý II/2015 đến nay.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 10.300 tỷ đồng doanh thu (giảm 36,6%) và 369 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 22,6%). So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Coteccons hoàn thành được 64% chỉ tiêu về doanh thu và 61,5% chỉ tiêu về lợi nhuận.

Như vậy, các chỉ số kinh doanh của Coteccons hầu như trở về ngưỡng của năm 2015. Đây là thời điểm người dân TP.HCM vẫn chưa nhìn thấy chiếc logo màu xanh đỏ được đặt cao vời vợi trên một toà nhà chọc trời cạnh bờ sông Sài Gòn. Lúc bấy giờ, Coteccons vẫn chưa trở thành “anh cả” sau khi trúng thầu toà nhà Landmark 81. Người ta nghe tới Coteccons cũng như nghe tới tên của các doanh nghiệp xây dựng khác, chưa ai gán cụm “nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam” trước tên riêng.

Đó là thời điểm, Coteccons vẫn chỉ ở vị thế chờ nhận thầu, chưa chuyển sang chủ động tự chọn dự án. Đó cũng là thời điểm, thị trường vẫn chứng kiến một Coteccons cũ kỹ, chưa có bước nhảy sang trang sử mới, tiên phong cho mô hình thiết kế và thi công (D&B) hốt bạc.

Coteccons có là “Descon thứ hai”?

Đến cuối quý III/2020, tổng tài sản của Coteccons giảm hơn 13% so với đầu năm, còn khoảng 14.056 tỷ đồng. Trong đó, việc vơi mất 1.644 tỷ đồng trong các khoản phải thu ngắn hạn đã ảnh hưởng chung để tổng tài sản. Khoản này còn phải trích lập dự phòng tới 219 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của Coteccons cũng rất nhỏ, chỉ hơn 360 tỷ đồng. 

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn không thể thoát khỏi mức âm. Tuy cải thiện hơn quý trước nhưng dòng tiền này vẫn đang âm 434 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính chuyển từ dương hồi đầu năm sang âm 229 tỷ đồng.

Điểm cải thiện của Coteccons trong quý III/2020 là đã tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ phải trả. Vốn được tăng lên sau khi giảm hơn 100 tỷ đồng ở quý trước, hiện là 8.509 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm tới hơn 28% so với đầu năm, còn 5.546 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu được cân đối ở mức 0,65.

Trong quý, Coteccons cất nóc được dự án The Galleria Residence của Sơn Kim Land tại Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh: CTD
Trong quý, Coteccons cất nóc được dự án The Galleria Residence của Sơn Kim Land tại Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh: CTD

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, báo cáo tài chính quý III/2020 thường nằm trong hoạch định kinh doanh cả năm của mỗi doanh nghiệp, chưa thể phản ánh một cách đủ đầy sức ảnh hưởng của những biến cố vốn chỉ mới diễn ra cách đó chưa tròn một quý. Rất có thể phải sang năm sau, thị trường mới có cái nhìn rõ nét hơn về ảnh hưởng của những sự vụ vừa qua.

Nhưng tâm lý e ngại của thị trường vẫn không thể thuyên giảm và phản ánh trực tiếp thông qua thị giá cổ phiếu. Hiện mã CTD đang rơi mạnh về vùng 56.400 đồng/cổ phiếu.

Điều thị trường và nhà đầu tư quan tâm hiện tại là, Coteccons “dưới trướng” nhóm cổ đông ngoại Kusto sẽ phát triển như thế nào và liệu ngành xây dựng Việt Nam có phải chứng kiến một “Descon thứ hai”?

HĐQT và cơ cấu cổ đông Coteccons hiện tại. Đồ hoạ: Tất Đạt
HĐQT và cơ cấu cổ đông Coteccons hiện tại. Đồ hoạ: Tất Đạt

Sau khi tiếp quản Coteccons, phía Kusto khẳng định sẽ tiếp tục phát triển mảng kinh doanh hiện tại. Nhóm cổ đông ngoại cũng đích thân đi nghiệm thu từng công trình. Trong lá thư gửi nhân viên gần đây, ông Bolat Duisenov , Chủ tịch Coteccons kiêm Giám đốc điều hành của Kusto Vietnam, nhấn mạnh, mục tiêu hiện tại của công ty là đảm bảo “Coteccons luôn là công ty xây dựng số 1 Việt Nam, xây dựng Coteccons không chỉ là thương hiệu Việt mà sẽ là thương hiệu được biết đến của khu vực”.

Đầu tháng 10 vừa qua, nhân sự cấp cao của Coteccons có sự biến động lớn. Cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương quyết định từ chức sau 17 năm dẫn dắt doanh nghiệp từ những ngày “chẳng ai nhớ mặt đặt tên”. Sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, thành viên HĐQT, cũng rời đi. 

Ông Bolat Duisenov lập tức được nhóm cổ đông ngoại bổ nhiệm trở thành Chủ tịch HĐQT Coteccons. Trước đó, hồi tháng 8, Coteccons cũng thông qua đơn từ nhiệm của hai lãnh đạo cấp cao là Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc, ông Trần Quang Quân - Phó Tổng giám đốc.

Như vậy, HĐQT của Coteccons chính thức được “thay máu” hoàn toàn. HĐQT đương thời không còn thành viên nào người Việt Nam, mà chỉ có thành viên từ cổ đông ngoại. Đó là ông Bolat Duisenov - Giám đốc điều hành của Kusto Vietnam, ông Yerkin Tatishev - Chủ tịch Kusto Group, ông Talgat Turumbayev - Giám đốc Kusto Group, ông Herwig Guido H. Van Hove - Giám đốc The 8th Pte Ltd và ông Tan Chin Tiong (Singapore) là thành viên HĐQT độc lập.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương