Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, mối lo của toàn cầu

Trong quý II/2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong gần ba thập niên, trước bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra những tác động bất lợi.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được cho là vẫn đang trên đà giảm tốc và có thể chỉ tăng trưởng 6% trong năm tới và khi kinh tế Trung Quốc yếu hơn, toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng.

Tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/7 công bố số liệu cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua do các tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Số liệu này vẫn trong biên độ tăng trưởng mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, nhưng thấp hơn mức tăng 6,4% trong quý I/2019.

Người phát ngôn NBS, Mao Shenyong, cho biết tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn yếu, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, trong khi những bất ổn bên ngoài đang gia tăng. Ông nhấn mạnh kinh tế nói chung đang tiếp tục chịu “sức ép đi xuống”.

Kinh tế Trung Quốc nói chung đang tiếp tục chịu “sức ép đi xuống
Kinh tế Trung Quốc nói chung đang tiếp tục chịu “sức ép đi xuống".

Trung Quốc công bố số liệu mới về GDP trong bối cảnh có những quan ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhà kinh tế Edward Moya thuộc OANDA cho rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ đang tác động lớn đến kinh tế Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng Sáu đã nhất trí nối lại đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo về sự mong manh của giai đoạn "đình chiến", khi hai nước vẫn đối mặt với một loạt những bất đồng đã khiến đàm phán rơi vào bế tắc hồi tháng Năm.

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc thông báo cắt giảm thuế với quy mô lớn có giá trị lên tới gần 2.000 tỷ CNY (291 tỷ USD) và hạn ngạch 2.150 tỷ CNY trái phiếu đặc biệt do chính quyền các địa phương phát hành nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và dự định thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Tuy vậy, các biện pháp đó vẫn chưa phát huy tác dụng đối với nền kinh tế Trung Quốc và niềm tin của các doanh nghiệp nước này vẫn chưa ổn định, ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư.

Vẫn trên đà giảm tốc

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm 2018, nhưng mục tiêu này đã bị đẩy lùi sau khi Tổng thống Mỹ tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng Năm. Một số nhà phân tích dự kiến kinh tế Trung Quốc có thể lấy lại đà tăng trưởng khi Tổng thống Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ nước này. Tuy nhiên, người phát ngôn NBS nhận định môi trường bên ngoài trong nửa cuối năm có thể vẫn phức tạp hơn.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể còn giảm tốc hơn nữa, xuống 6% trong năm 2020.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể còn giảm tốc hơn nữa, xuống 6% trong năm 2020.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc xuống còn 6,2% trong năm nay, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua, bất chấp các biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước do căng thẳng thương mại với Mỹ. Cũng theo khảo sát, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể còn giảm tốc hơn nữa, xuống 6% trong năm 2020.

Dự báo trên giống với con số đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng Tư. Nhưng một loạt các số liệu kém khả quan trong những tháng gần đây và việc Mỹ tăng thuế áp lên hàng hóa của Trung Quốc đã làm dấy lên những đồn đoán nước này cần đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để ngăn chặn tăng trưởng giảm tốc hơn nữa.

Zhang Yiping, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty Merchants Securities ở Thâm Quyến, cho rằng việc Mỹ tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Nhưng ông Zhang cho rằng giới chức Trung Quốc có thể sẽ vẫn nới lỏng chính sách vừa phải để củng cố nền kinh tế, thay vì tìm đến những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến nay, các biện pháp kích thích của Trung Quốc vẫn dè dặt hơn so với các đợt tăng trưởng giảm tốc trước đó. Giới phân tích cho rằng nước này thận trọng như vậy do lo ngại nợ công gia tăng. Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) Dịch Cương hồi tháng trước cho biết PBoC vẫn còn rất nhiều khả năng điều chỉnh chính sách nếu tình hình căng thẳng thương mại leo thang.

Toàn cầu chịu tác động

Theo giới phân tích, hoạt động kinh tế của Trung Quốc yếu hơn sẽ gây ra những tác động trên toàn cầu. Các nước cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy của Trung Quốc, từ đồng của Chile đến than của Indonesia, đặc biệt dễ tổn thương trước sự giảm tốc của kinh tế nước này.

Nhiều nước đang làm ăn với Trung Quốc sẽ bị
Nhiều nước đang làm ăn với Trung Quốc sẽ bị "vạ lây" khi kinh tế nước này giảm tốc.

Theo báo cáo của McKinsey Global Institute, tỷ lệ hàng hóa của Nam Phi được xuất khẩu tới Trung Quốc tăng từ 2% vào giữa những năm 2000 lên 15% hiện nay. Báo cáo này dẫn số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, 45% lượng hàng hóa xuất khẩu của CHDC Congo là tới Trung Quốc. Thêm vào đó, các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc.

Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, trong số các nền kinh tế lớn, 35% số hàng hóa xuất khẩu của Australia trong tháng Tư là tới Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này của Brazil là 30% và Hàn Quốc là 24%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ như Procter & Gamble và General Motors tiêu thụ hàng hóa tại thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Nhà kinh tế tại Đại học Syracuse, Mary Lovely, nhận định nhu cầu của Trung Quốc tăng chậm hơn có thể làm giảm doanh thu, lợi nhuận và giá trị thị trường của các doanh nghiệp này. Theo bà, giá cổ phiếu giảm có thể tác động đến niềm tin tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này sẽ theo dõi sát sao triển vọng của kinh tế Trung Quốc, bởi tình hình của kinh tế nước này có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

IHS Markit dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu năm nay sẽ giảm xuống 2,8% so với mức 3,2% của năm ngoái và nguyên nhân một phần là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới công bố Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 xuống 3,2% và 3,5%; đồng thời cảnh báo căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang cản trở kinh tế thế giới.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG (t/h)

theo Tin 24h