Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/10: DBC, PNJ, BCG, PVI và PHR

DBC, PNJ, BCG, PVI và PHR là những mã cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị trong phiên 27/10 để nhà đầu tư tham khảo.

Khuyến nghị DBC: Chốt lãi tại ngưỡng 69.000 đồng

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 58.000 đồng. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã nằm trên 2 đường MA20 và MA50 ủng hộ xu hướng tăng.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 60.900 đồng, chốt lãi tại ngưỡng 69.000 đồng và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 58.500 đồng.

Khuyến nghị PHR: Giá mục tiêu 71.500 đồng

CTCK VNDirect (VND): CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE - Mã: PHR) là nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ ba trong các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành, sở hữu diện tích vườn cây cao su hơn 14.500ha tại Việt Nam và 8.000ha tại Campuchia.

PHR đặt mục tiêu chuyển đổi hơn 5.600ha quỹ đất cao su thành khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương, để nắm bắt nhu cầu thuê đất KCN đang ngày càng tăng tại các tỉnh phía Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng dịch chuyển sản xuất với chiến lược “Trung Quốc+1”.

VND kỳ vọng PHR có thể nhận 898 tỷ đồng tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho 691ha tại KCN VSIP 3 trong 2022, giúp LN ròng năm 2022 tăng mạnh mẽ 161,1% svck. Bên cạnh đó, trong số 5.600ha chuyển đổi thành KCN, chúng tôi cho rằng có 4 KCN tiềm năng (tương đương 2.600ha) có thể khai thác trong 3 năm tới.

Từ đó, chúng tôi dự báo doanh thu mảng KCN của PHR đạt 521 tỷ đồng (+702,2% svck) trong năm 2023 và 1.109 tỷ đồng (+112,6% svck)/1.799 tỷ đồng (+62,2% svck) trong 2024-25.

VND đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 71.500 đ/cp.

Tại Bình Dương, PHR có 6.530ha diện tích vườn cây khai thác và 5.969ha diện tích kiến thiết cơ bản (KTCB) vào cuối 2020. Hầu hết vườn cây KTCB có thể đưa vào khai thác trong 2022-25.

Cùng với 7.664ha diện tích khai thác tại Kampong Thon và sự hỗ trợ từ giá cao su tự nhiên tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và thiếu hụt nguồn cung, chúng tôi dự báo doanh thu mảng cao su tự nhiên của PHR sẽ đạt tăng trưởng kép (CAGR) là 10,0% với CAGR sản lượng tiêu thụ là 8,7% trong 2021-25.

VND khuyến nghị Khả quan nhờ 1) LN ròng 2022 tăng mạnh 161% svck, 2) định giá hấp dẫn với P/E 2022 chỉ 7,8x và 3) chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Tiềm năng tăng giá đến từ việc liệu PHR có thể giải quyết các rào cản pháp lý tại các KCN mới và nhận tiền đền bù đất sớm hơn dự kiến hay không. Rủi ro giảm giá: 1) dịch bùng phát kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ đầu tư và bán hàng, 2) sự chậm trễ trong phê duyệt pháp lý tại các KCN, dẫn đến việc trì hoãn đưa vào khai thác và nhận tiền đền bù đất, 3) rủi ro giá cao su giảm do cung vượt cầu và vấn đề tồn kho toàn cầu.

Theo đó, giá mục tiêu 1 năm cho PHR là 71.500 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 27,7%. Định giá của VND dựa trên phương pháp định giá tổng giá trị thành phần (SOTP) cho các mảng cao su, gỗ, dự án KCN và các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết của PHR.

Khuyến nghị PVI: Có thể mua với tỷ trọng 3,07%

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): 9 tháng đầu năm 2021, CTCP PVI (HNX: PVI) đạt tổng doanh thu 7.584 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch 9 tháng và 79% kế hoạch năm 2021, tăng trưởng +10% YoY. Tính riêng bảo hiểm gốc, doanh thu tăng trưởng 10% YoY. LNTT của Bảo hiểm PVI đạt 687 tỷ đồng, tăng trưởng 20% YoY và hoàn thành 162% kế hoạch 9 tháng, 106% kế hoạch năm.

Cho năm 2021, PVI đặt mục tiêu LNTT đạt 875 tỷ đồng (-17% YoY), tổng phí bảo hiểm đạt 10.411 tỷ đồng (+14% YoY). PVI dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 14% cho năm 2021.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trong quý 3, bao gồm (1) nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn, (2) đối với các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với công suất thấp, giá đầu vào cao và chi tiêu cho phòng chống lây nhiễm đang làm giảm lợi nhuận và do đó, thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến việc cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu, bao gồm bảo hiểm, (3) các chương trình đầu tư công của Chính phủ bị chậm lại. Sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý 4 khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế.

FSC kỳ vọng PVI sẽ đạt mức tăng trưởng về phí bảo hiểm phi nhân thọ tốt hơn trong năm 2022 nhờ hoạt động kinh tế hồi phục kéo theo sự hồi phục của bảo hiểm hàng hóa, du lịch và bảo hiểm an toàn tín dụng.

Tuy vậy, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, chi phí tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tăng nhanh trong những năm gần đây do có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thô lỗ cũng ảnh hưởng tới KQKD.

Việc thoái vốn của PVN tại PVI có thể diễn ra trong năm 2021 và sẽ tạo động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu.

Ở mức giá hiện tại, PVI đang được giao dịch tại P/B dự phóng là 1,7x. Mức Stock Rating của PVI ở mức 88 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của PVI đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng dần từ đầu tháng 10/2021. Đồng thời, đồ thị giá thoát khỏi giai đoạn đi ngang và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu này với tỷ trọng 3,07%.

Khuyến nghị BCG: Tiếp tục nắm giữ

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của BCG (CTCP Bamboo Capital – sàn HOSE) ở mức 92 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của BCG đóng cửa phiên 25/10 tăng 3% và đạt mức cao nhất 52 tuần. Đồ thị giá của BCG đã có mức tăng 115% Ytd và 34% Mtd. Điểm tích cực là Sức mạnh giá đạt trên mức 90 điểm cho thấy đồ thị giá của BCG đang bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và chủ yếu chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh nhẹ sau chuỗi tăng kéo dài.

BCG đã đạt tỷ suất sinh lợi tạm tính là 97,55%, vượt mức mục tiêu ngắn hạn là 14.65 và mục tiêu định giá cơ bản 18.29. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ đối với cổ phiếu BCG.

Khuyến nghị PNJ: Kết quả kinh doanh phù hợp với kỳ vọng

CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 877 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái) và lỗ ròng 160 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng trong quý III/2020.

Chúng tôi cho rằng những kết quả kinh doanh thấp này là do các gián đoạn nghiêm trọng của dịch COVID-19 khiến hơn 80% cửa hàng bán lẻ của PNJ phải đóng cửa trong phần lớn quý III/2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 12,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 576 tỷ đồng (giảm 10%), hoàn thành 74% và 68% dự báo tương ứng cả năm của chúng tôi và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý

C.H

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương