Căng thẳng Nga – Ukraina ảnh hưởng đến thương mại ngành thịt toàn cầu

Đó là nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trong bản tin thương mại mới nhất của cơ quan này vừa được công bố.

Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu nhận định giá thực phẩm có thể sẽ tăng cao hơn. Ukraine và Nga cùng là những thị trường cung cấp lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn trên thế giới, khiến các nước nhập khẩu từ châu Á đến châu Phi và Trung Đông bị khó khăn bởi giá bánh mì và thịt tăng cao nếu nguồn cung bị gián đoạn, điều đó sẽ làm tăng giá thực phẩm.

Hiện Nga vẫn chưa thể tự túc về thịt và điều đó đã được dự đoán trước bởi Nga đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Brazil cho phép nhập khẩu 200.000 tấn thịt bò và 100.000 thịt lợn vào thị trường Nga mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Điều đó cũng có thể báo hiệu Nga sẽ cấm xuất khẩu thịt bò và thịt heo trong tương lai.

giam-gia-thit.jpg
Nguồn cung thịt gia súc gia cầm trong nước hiện vẫn được đánh giá là khá dồi dào so với nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại thị trường trong nước, giá heo hơi tại các tỉnh trên cả nước liên tục giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay. Hiện giá heo hơi trên toàn quốc dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg, giảm 4.000-6.000 đồng/ kg so với cuối tháng 1/2022.

Giá heo giảm do sau Tết nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân giảm mạnh, trong khi sản lượng lợn vẫn liên tục phục hồi, khiến nguồn cung trên thị trường tăng.

Năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn bởi ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và dịch tả heo châu Phi vẫn phức tạp. Đồng thời, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Dự báo hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, vì các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi đã giúp các nhà chăn nuôi lớn tránh được những đợt bùng dịch quy mô lớn. Hiện cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tình hình nhập khẩu thịt có xu hưởng giảm do sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, trong khi việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ khó tăng đột biến trong năm 2022.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 53.700 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 114,13 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với tháng 12/2021; tuy nhiên so với tháng 1/2021 giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 6,2% về trị giá. Trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.

Tháng 1/2022, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 13.890 tấn, trị giá 42,95 triệu USD, tăng 150,9% về lượng và tăng 166,1% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 21,7% về lượng và tăng 15,2% về trị giá, chiếm 25,9% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2022.

Đ.KHẢI

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương