Những vụ hành hạ trẻ em gây phẫn nộ dư luận thời gian qua

Ngày 11/6, Công an quận 4, TP.HCM đang điều tra xác minh vụ sư cô bạo hành trẻ em (tiểu ni) trong ngôi chùa ở khu vực gây xôn xao dư luận.

Trước đó, chiều 11/6, mạng xã hội xôn xao một clip dài 2 phút 26 giây ghi lại cảnh sư cô đánh đập, bạo hành trẻ trong chùa.

Theo nội dung clip, một tiểu ni sống tại chùa được cho là đã làm sai việc gì đó và nói dối nhiều lần nên bị một sư cô yêu cầu một một tiểu ni khác giữ tay tiểu ni này, tát liên tục vào mặt tiểu ni.

Sư cô vừa đánh tiểu ni vừa nói: “… Trên đời này sư phụ ghét nhất là đứa nào nói láo mà tại sao con nói láo sư phụ hoài vậy…”. Sư cô còn nói với đứa trẻ bên cạnh rằng: “Này, nhớ những gì ngày hôm nay sự phụ hành hạ nó nghe chưa. Tới con, con xạo nó là con gấp đôi nó nghe chưa”.

Đoạn clip đăng tải lập tức được chia sẻ rầm rộ và nhận khá nhiều bình luận. Hầu hết mọi người đều hết sức bất bình trước hành động của sư cô. Đồng thời, mọi người mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Sư cô tát vào mặt tiểu ni. Ảnh: Cắt từ clip.
Sư cô tát vào mặt tiểu ni. Ảnh: Cắt từ clip.

Theo thông tin trên báo Công Lý, qua xác minh, cơ quan chức năng quận 4 đã xác định sự việc diễn ra ở chùa Long Nguyên, phường 4, quận 4, TPHCM. Sư cô đánh đập bé tiểu trong clip là Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo (trụ trình ngôi chùa này).

Công an quận 4 đã mời sư cô Thích Nữ Hạnh Thảo lên lấy lời khai để làm rõ.

Về phía Đại diện Giáo hội Phật giáo TP.HCM, sau khi tiếp nhận và xác minh vụ việc, Đại diện Giáo Hội Phật giáo cho biết sẽ xử lý nghiêm trước hành động của sư cô trong đoạn clip. 

Clip sư cô ở quận 4 hành hạ trẻ em gây phẫn nộ dư luận.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành do chính cha mẹ ruột hoặc cha dượng, mẹ kế.

Cụ thể, như sự việc diễn ra vào ngày 28/5 khi trên mạng xã hội facebook xuất hiện một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đang có hành vi trói, đánh đập tàn nhẫn một bé gái.

Đoạn clip trên đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận và bày tỏ cảm xúc căm phẫn với hành vi bạo hành của người đàn ông.

Theo nguồn tin từ báo Giao Thông, nhận được thông tin, ông an TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ và xác định được người đàn ông trong clip là Danh Đa (SN 1993, ngụ ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, TX Vĩnh Châu, cha của cháu N.), còn bé gái bị bạo hành là cháu D.T.N. (6 tuổi, con gái của Đa). Ngay sau đó, công an đã mời Đa lên trụ sở làm việc.

Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Vĩnh Châu ký quyết định khởi tố hình sự đối với Danh Đa để điều tra về hành vi hành hạ con, theo quy định tại khoản 2 Điều 185 Bộ luật hình sự.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, cũng trong ngày 28/5, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ liên tục dùng tay, chân đánh vào cơ thể, bóp cổ bé trai gây phẫn nộ. Cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý.

Người mẹ kế bị tâm thần bạo hành con.
Người mẹ kế bị tâm thần bạo hành con.

Theo tìm hiểu, được biết sự việc xảy ra ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo xã cho biết người bạo hành bé trai là bà T.L (mẹ kế của bé), người phụ nữ này bị tâm thần, cán bộ xã sẽ kết hợp với gia đình đưa bà T.L đi giám định lại để có hướng xử lý tiếp theo.

Cũng nằm trong số các vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận phẫn nộ, trong tháng 4, liên quan đến vụ bé gái N.N.M.M. (SN 2016, ở thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội; tạm trú phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) tử vong do bị bạo hành, ngày 1/4, Công an quận Đống Đa đã bắt khẩn cấp 2 nghi phạm là mẹ ruột và bố dượng của cháu N.N.M.M. để điều tra hành vi Giết người.

Cháu bé tử vong khi trên người có nhiều vết thương nghi do bị bạo hành.
Cháu bé tử vong khi trên người có nhiều vết thương nghi do bị bạo hành.

Theo điều tra xác minh, cháu bé bị tử vong do nhiều vết thương. Nguyên nhân được xác định cháu bé bị bố dượng và mẹ ruột bạo hành.

Theo luatvietnam.vn, dựa theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, nhưng trên thực tế, tình trạng xâm hại, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của trẻ em.

Hiện nay, các mức xử phạt với người bạo hành trẻ em được quy định như sau:

Phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng

Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.

Ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, người có các hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

Phạt hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015

Tùy tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử lý về một trong các tội sau đây:

  • Tội cố ý gây thương tích (Điều 134)

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

  • Tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu… (Điều 185)

Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

  • Tội hành hạ người khác (Điều 140)

Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Các mức phạt nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, mức phạt thực tế đối với từng sự việc bạo hành trẻ em còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

PV (T/H)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương