Sài Gòn nào giờ 'dzậy' đó!

Những ngày này, rất đông người dân tham gia giải cứu dưa hấu, phát khẩu trang miễn phí...Mà không phải bây giờ mới vậy đâu, người Sài Gòn "nào giờ dzậy đó!".

Từ dự án "Sài Gòn tử tế"

Ở Sài Gòn, có một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau thực hiện những điều truyền đi cảm xúc tích cực vì tình yêu với một Sài Gòn hào sảng và tử tế.

Nguyễn Luận và những bức ảnh trong dự án 
Nguyễn Luận và những bức ảnh trong dự án "Sài Gòn tử tế".

 Từ cuối năm 2018, Nguyễn Luận (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và những cộng sự đã âm thầm xây dựng "Sài Gòn tử tế", một dự án truyền thông về một Sài Gòn trong lòng những người yêu Sài Gòn xưa và nay.

Thông qua những câu chuyện đẹp bằng sách ảnh, âm nhạc, hoạt động từ thiện, truyền thông bảo vệ môi trường, nhóm của Luận muốn lan tỏa thông điệp để tất cả những ai yêu Sài Gòn cũng sẽ muốn chung tay xây dựng một thành phố đáng sống bằng chính đóng góp giản dị của mình.

Trước đó, Luận và một nhóm bạn trẻ mê ảnh đã rong ruổi khắp ngóc ngách Sài Gòn, ghi lại những câu chuyện đẹp để chia sẻ với cộng đồng.

Luận nhớ lại: "Tụi mình đã ghi lại rất nhiều câu chuyện đời thường xúc động. Như có chị bán nước vỉa hè hạnh phúc kể câu chuyện cả đời chưa bao giờ bị chồng đánh một bạt tai nào, giận chị quá thì chồng chỉ đấm vô tường một cái thôi.

Câu chuyện có vẻ bình thường nhưng trong góc nhìn của tụi mình, niềm hạnh phúc của họ xuất phát từ tình yêu thương thực sự của người chồng. Hay như một chị lượm ve chai bị ung thư nhưng vẫn chia sẻ niềm vui của chị là mỗi ngày đều được trở về trong vòng tay yêu thương của chồng con".

Nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt và Nguyên Hà hát ca khúc
Nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt và Nguyên Hà hát ca khúc "Sài Gòn vẫn thế" để tặng nhóm dự án Sài Gòn tử tế.

Rồi một chị chuyển giới bán bánh ở cầu Khánh Hội, khi nhóm "Sài Gòn tử tế" xin chụp hình, chị rất vui vẻ và cho biết chị muốn thật nhiều người biết về mình - về con người thực sự mà chị phải ẩn giấu lâu nay.

"Mình hi vọng đây sẽ là một hoạt động thiết thực giúp mỗi người dù đến, ở lại hay sẽ rời khỏi Sài Gòn đều có thể nhận ra và góp phần nhỏ vào việc tạo lập sự tử tế cũng như bảo vệ môi trường sống của mình" - Luận nói.

Nhận được thông điệp của nhóm, anh Lê Tuấn (một thợ cắt tóc Việt kiều Mỹ) khi về nước đã liên hệ với nhóm, muốn được mang chiếc áo có dòng chữ "Sài Gòn tử tế" để đi cắt tóc cho người vô gia cư, người bệnh nghèo.

Dự án của Luận và những người bạn còn được sự đồng cảm từ nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt, ca sĩ Nguyên Hà, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam khi mới đây, bộ ba này đã ra mắt bài hát "Sài Gòn vẫn thế" - món quà tinh thần của nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt dành cho dự án "Sài Gòn tử tế".

Đến tặng "Hoa nói" cho người lao công

Có một bạn trẻ ở Sài Gòn, chưa biết đến dự án "Sài Gòn tử tế" của Luận nhưng đã tự âm thầm góp sức mình bằng cách lan tỏa thông điệp "Hoa nói" để bảo vệ môi trường. Đó là Nguyễn Hồng Việt, 33 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM.

Nguyễn Hồng Việt tặng “hoa nói” cho công nhân vệ sinh.
Nguyễn Hồng Việt tặng “hoa nói” cho công nhân vệ sinh.

Từ năm 2015 đến nay, Việt đã tìm tới những người lao công quét rác để tặng hoa và quà cho các cô chú. Mỗi lần tặng hoa cho người quét rác, Việt dùng một tấm bảng nhỏ ghi mong muốn của họ và chụp hình lại, sau đó chia sẻ lên trang Facebook cá nhân.

Những thông điệp giản dị, gần gũi nhưng lại khiến nhiều người giật mình khi vứt rác: "Ở đại dương không có chúng tôi nên đừng xả rác", "Ở ngã tư, đừng nhận tờ rơi nếu bạn vứt ngay xuống đường", "Nếu không có thùng rác, hãy đem rác về nhà"... kèm theo tấm hình là nụ cười hồn hậu của nhiều cô chú lao công.

Những kẻ "khùng" nuôi chim trời, thú hoang

Dì Năm trên chiếc xe đạp đã hơn năm năm nay không quản mưa gió, nuôi
Dì Năm trên chiếc xe đạp đã hơn năm năm nay không quản mưa gió, nuôi "đàn chim trời".

"Già ơi Giàaaaaaaa, Giàaaaaa... Già ơi... xuống ăn nè Giàaaaaa... xuống đi Giàaaaaaa". Dì Năm vừa đi tất tả xách bịch dế non ra vỉa hè đầy cây xanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy dọc Sở thú vừa ngước mặt lên vòm cây gọi ời ời như gọi con về ăn cơm. Mấy vốc dế và thóc tung ra. Đàn chim sẻ sà xuống trước tiên. Còn đàn sáo lớn - dì Năm gọi tập thể chúng là "Già" vẫn núp đâu đó trên cây.

Cả lũ ào xuống nhảy chanh chách mổ tơi tới. Tất ta tất tưởi góc nọ góc kia lo cho hai con sóc, một con còn non dì mới nuôi giùm anh bảo vệ một tháng nay, hai đàn sẻ, một mớ tụi "Già", mười mấy con chuột hamster nhốt trong lồng, rồi khi mặt trời dần tắt, Năm quàng hết lồng nhốt lên phía trước xe đạp, thảnh thơi đạp về.

Nụ cười hồn hậu của người phụ nữ nghèo chi mỗi tháng vài triệu để nuôi chim trời.
Nụ cười hồn hậu của người phụ nữ nghèo chi mỗi tháng vài triệu để nuôi chim trời.

- Năm, sao Năm hổng ngồi lên yên đạp cho khỏe?

- Hí hí đạp hổng có tới, chân Năm ngắn, Năm đạp hổng có tới, Năm ngồi yên sau vầy hông hà.

Cứ ngồi yên sau thò chân ra trước đạp xe như vậy, vừa ngông nghênh, vừa dễ thương quá trời quá đất. Vừa đi, dì vừa bóp vụn tung xuống những thảm cỏ xanh dọc đường mớ bánh mì ngọt. Lũ chim chóc từ đâu bay tới như canh sẵn giờ dì về, bay sà xuống lích chích nhặt bánh rồi chấp chới bay theo dì.

Dì Năm bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cẩm Viên.
Dì Năm bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cẩm Viên.

Cứ như vậy, hơn năm năm nay, 4h30 sáng, dì Năm từ nhà ở quận 3 đạp xe xuống quận 5 mua dế, sâu non, thóc, bắp và đậu xanh cho lũ chim, sáo và chuột kiểng dì nuôi, mua ở chợ côn trùng cho rẻ, chừng 8h sáng vãi thóc cho đàn bồ câu ở một cái bùng binh dọc đường ăn rồi tha lôi mấy con sóc và chim lên Sở thú. Chỗ này dì bán đồ chơi cho con nít mấy chục năm nay. Như nuôi một đám con nít nhõng nhẽo quấn mẹ.

Dù mưa gió, dì vẫn chờ hết mưa rồi cho chúng ăn chứ sợ chúng đói. Trung bình mỗi tháng dì tốn khoảng mấy triệu tiền mua dế, sâu, bắp, thóc, bánh mì, đậu xanh... để "nuôi chim trời". Có người bảo: "Bà khùng! Rảnh quá đi nuôi chim trời! - Kệ chớ ai nói gì nói, hổng nuôi tụi nó đói sao!" Nụ cười hồn hậu của dì Năm làm tan cả cái nắng khan và không khí bụi bặm của Sài Gòn.

Hơn hai mươi năm nay, đều đặn chừng 5h30 sáng cô Liễu đi cho tụi sóc và chim ở Tao Đàn ăn.
Hơn hai mươi năm nay, đều đặn chừng 5h30 sáng cô Liễu đi cho tụi sóc và chim ở Tao Đàn ăn.

Ở một ngôi nhà khác cũng trên quận 1, cũng khoảng giờ ấy, một người phụ nữ thức dậy rồi chuẩn bị bốn hộp to đựng chuối chín đã xắt từng khoanh, mấy hộp gạo lứt, mấy hộp thóc... xếp gọn lên chiếc xe máy thong thả dong đến công viên Tao Đàn. Cứ 6h sáng hàng ngày, đàn sóc cả trăm con sốt ruột bò tới bò lui trên những thân cổ thụ lớn chờ cô.

"Hồi nãy tụi nó xuống cả mấy chục con chờ cô đó cô. Mắc cười quá chừng, anh kia chạy xe qua mà nó tưởng xe cô, cả đám nó quay đầu lại dòm". Một cô gái trẻ đang tập thể dục ở Tao Đàn hớn hở kể với cô Liễu như vậy.

Hai mươi mấy năm nay, đều đặn chừng 5h30 sáng cô Liễu đi cho tụi sóc và chim ở Tao Đàn ăn. Gần như không trừ ngày nào trong suốt 365 ngày mỗi năm, ngày nào cũng xắt chuối thành từng khoanh từ hôm trước, xếp đẹp đẽ ngăn nắp vào hộp và chạy xe đến công viên để đúng boong khoảng 6h là xếp chuối cho sóc ăn,  đều đặn và trách nhiệm đến... không thể giải thích nổi.

Dù bệnh hay mắc đi đâu thì cô cũng nhờ bạn ra cho lũ sóc ăn, trời mưa thì chờ tạnh. Cô không dám đi chơi xa. Ba ngày Tết cô cũng có mặt ở đây, không bỏ "đàn chim trời" được vì "thương lắm!"

Cô Liễu còn cho những
Cô Liễu còn cho những "con chim trời" ở nơi khác ăn, mỗi tháng mất đều đều mười mấy triệu đồng.

Cô Liễu cho biết, trong công viên này không có nhiều loại cây hạp với sóc nên tụi nó thiếu thức ăn. Cô thử nhiều thứ rồi mới lựa được chuối. Hồi đầu 2 ký, tăng lần lần lên 4, 6, giờ 10 kg một ngày, với 13 ký gạo và thóc.

Ngoài đàn sóc trong Tao Đàn, cô đều đặn rải gạo cho một đàn bồ câu trước sân Nhà văn hóa Lao động, một đàn sẻ cũng ở Tao Đàn và gửi thức ăn cho một ngôi chùa đang nuôi đàn chó mèo bị chủ bỏ trên Đồng Nai. Tính ra, tháng mất đều đều mười mấy triệu đồng. "Thì mình nhịn bớt cho tụi nó ăn cũng đâu có sao", cô Liễu nói gọn hơ.

"Tôi nuôi bồ câu vì thấy thành phố này vắng chim chóc thì buồn quá"

Ngày ngày anh Cường cũng cho chim bồ câu ăn và chăm sóc chúng ở đây, hơn 12 năm rồi.
Ngày ngày anh Cường cũng cho chim bồ câu ăn và chăm sóc chúng ở đây, hơn 12 năm rồi.

Sáng nào đàn chim nơi nhà thờ Đức Bà cũng cuốn hút người dân địa phương và du khách. Nơi đây, đều đặn 5h sáng, trên mảnh sân nhỏ lát gạch xám trước nhà thờ Đức Bà, đàn bồ câu hàng trăm con thản nhiên đậu lên cánh tay, leo cả lên chân người đi dạo sớm hăng say mổ đậu xanh.

Một người đàn ông cầm chiếc lon guy gô thần thánh thỉnh thoảng lắc những hạt đậu trong lon kêu lắc rắc giòn giã để gọi đàn chim. Anh không phải là chủ của đàn chim, nhưng ngày nào cũng cho chúng ăn và chăm sóc chúng ở đây, hơn 12 năm rồi.

Anh cho biết năm 2003 có dịch gia cầm nên người ta thả mấy chục con bồ câu, anh hay uống cà phê gần đây, thấy chúng đói tội nghiệp nên cho chúng ăn. Lần đầu mua ba ký, cho ăn vài ngày thấy tăng dần tăng dần... giờ là mỗi ngày 13 ký, ba ký đậu xanh, 10 ký lúa. Đồ nghề của anh Cường gồm một bao thóc, một bao đậu xanh, thùng nước cho chim tắm, thuốc kháng sinh cho chim và đôi lúc cả mảnh gương nhỏ đặt nghiêng dưới đất, để bồ câu "soi gương, làm điệu".

Người đàn ông nuôi bồ câu, gieo hạt mầm lương thiện vào lòng trẻ nhỏ.
Người đàn ông nuôi bồ câu, gieo hạt mầm lương thiện vào lòng trẻ nhỏ.

  Có người hỏi anh đòi mua, người thì xin về "nấu cháo". Giận, anh bảo "cái thân tui nè, bắt nấu cháo luôn đi".

Sài Gòn - tập hợp của những bất ngờ và mâu thuẫn như thế đó. Ai chưa đến nơi này đều nghĩ nó là mảnh đất cuốn hút nhưng phải dè chừng, Sài Gòn không phải cô tiên xanh trong cổ tích.

Nó vẫn là nơi phút trước bạn còn cầm điện thoại, phút sau đã vụt bay khỏi tầm tay. Là nơi ra đường được dặn "đừng đeo vàng", "coi chừng giật giỏ", nhà cửa thì bịt kín bởi lớp rào chắn sắt thép như lồng nhốt... Vẫn vô số ngày muốn bỏ nó mà chạy trốn đến một nơi nào đó ít ồn ã vội vàng hơn. Và vô số đêm nằm khóc một mình. Ở Sài Gòn, cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng....

Điều tử tế ở Sài Gòn: nhiều lắm!

Thùng tiền từ thiện với dòng chữ “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ” và “Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào” gây xúc động.
Thùng tiền từ thiện với dòng chữ “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ” và “Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào” gây xúc động.

Nếu có một điểm dễ thương gợi nhớ đến Sài Gòn thì đó là: sự tử tế. Bởi người ta ở lại Sài Gòn vì thương sự tử tế, nhớ Sài Gòn nhất cũng là sự tử tế.

Ở Sài Gòn cái gì cũng có. Có những thứ rất đắt, nhưng có những thứ miễn phí hoàn toàn. Bình trà miễn phí, có cơm, phở, hủ tiếu, bánh mì miễn phí. Có anh diễn viên tối tối đi "hớt tóc dạo", giúp cô chú lao động nhìn bảnh hơn. Có cửa hàng quần áo miễn phí, vá xe, sửa giày miễn phí. Đã là người Sài Gòn, hoặc sinh sống ở Sài Gòn, người ta sẽ thấy việc làm từ thiện của con người nơi đây như hơi thở cuộc sống.

Những buổi trưa nắng nóng gay gắt của thời khắc giao mùa, chạy xe len lỏi qua những con phố đông đúc, ồn ào, tâm hồn như được tắm mát khi bất chợt bắt gặp thùng nước lọc miễn phí có kèm cả ly giấy ai đó để bên vệ đường. 

Câu chuyện về thùng tiền từ thiện ghi dòng chữ “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”, “Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào” khiến cộng đồng xúc động và chia sẻ. Đây là việc làm nhân văn của một nhóm người là bạn bè (đa phần người miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp), xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có được chai nước uống, ổ bánh mỳ, suất ăn trưa… mà nhóm đã quyên góp, đặt thùng tiền từ thiện tại 3 địa điểm: Tô Hiến Thành (Quận 10), 223 Nguyễn Thái Bình (quận 1) và Hoàng Việt (phường 4, quận Tân Bình).

 Sài Gòn nào giờ 'dzậy' đó!

Ở mảnh đất phồn hoa đô hội Sài Gòn, tưởng chỉ có những nhà hàng sang trọng, với những món ăn đắt đỏ mà giá cho mỗi suất ăn lên tới tiền triệu. Nhưng một trong những điều làm nên sự “lạ lùng” và “cái gì cũng có” ở nơi đây chính là những quán cơm chay miễn phí, những quán cơm 2.000 đồng nhưng sạch sẽ và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Những câu chuyện về tình người ấm áp, cảm động, ân tình tại Sài Gòn còn nhiều lắm. Người Sài Gòn hay vậy đó, không cần phải "chờ" mình thật giàu mới "dám" cưu mang những mảnh đời khốn khó khác. Người Sài Gòn hay nói vui với nhau: "Lá lành đùm lá rách, mà lá rách đùm lá tả tơi". Một câu nói vui vô thưởng vô phạt như vậy nhưng nồng đượm cái tâm rộng rãi, phóng khoáng. Câu chuyện anh đánh giày câm lang thang khắp mọi nẻo đường Sài Gòn cùng người bạn bốn chân bị mù lòa, hay bà cụ bán rau sống đơn độc cưu mang những chú mèo hoang... là những chiếc lá rách "đẹp" vô cùng. 

Cái thành phố vừa đông người, vừa pha trộn đủ thứ văn hóa từ tứ xứ đổ về, nét Tây cũng không ít, kiểu ta cũng tràn trề, vậy mà sao ngóc ngách nào cũng có chuyện ấm lòng để kể thế này?

AN LY (t/h)

'Vọng Sài Gòn': Dấu ấn Sài Gòn trong con mắt người đàn bà yêu

"Vọng Sài Gòn": Dấu ấn Sài Gòn trong con mắt người đàn bà yêu

Tác phẩm "Vọng Sài Gòn" của Trác Thúy Miêu chỉ nhắc lại một vài dòng ký ức giản đơn về Sài Gòn nhưng khiến người đọc được sống trong nhiều cảm xúc.