Sửa đổi một số quy định tạo đặc cách để trọng dụng và thu hút các nhà khoa học xuất sắc

Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ sửa đổi một số quy định tạo đặc cách để trọng dụng và thu hút các nhà khoa học xuất sắc.

Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, đã trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điểm mới của dự thảo Nghị định là vấn đề đặc cách thăng hạng cho các nhà khoa học. Nghị định mới cho phép nhà khoa học có thể vào bất cứ vị trí nào như nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, tùy thuộc năng lực.

Trước đó, Nghị định 40 quy định, nhà khoa học có thành tích xuất sắc (có giải thưởng quốc tế, chủ trì nhiệm vụ đặc biệt…) sẽ được đặc cách thăng hạng không qua thi thăng hạng và không phụ thuộc vào năm công tác. Tuy nhiên, quy định chỉ đặc cách thăng hạng một bậc, ví dụ từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính. Thực tế, có những nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhưng khi vào làm việc tại cơ quan khoa học của Nhà nước chỉ được đặc cách nghiên cứu viên. 

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-Kist) có những tiến sĩ làm việc ở cơ sở nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm, khi vào đây, theo quy định hiện nay chỉ áp dụng bậc lương 3.0, tương đương một người vừa học xong. Đây là một vướng mắc rất lớn, cần một cơ chế xét lương công bằng.

Theo ông Nghĩa, với nghị định mới, nhà khoa học có thể được đặc cách nhiều lần. Tuy nhiên, thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng một lần để xét đặc cách.

Nghị định cũng quy định mở thêm nhiều ưu đãi cho nhà khoa học Việt kiều, nhà khoa học nước ngoài làm việc tại cơ sở trong nước như được hưởng mức lương theo thỏa thuận và không thấp hơn mức lương của chuyên gia làm việc tại các vị trí tương tự trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ngoài ra, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam, hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế.

Bộ Khoa học công nghệ hy vọng điều này sẽ góp phần giải quyết tình trạng chảy máu chất xám từ các cơ quan nghiên cứu nhà nước ra bên ngoài, tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, cống hiến cho khoa học, cho đất nước.

Theo Nguyễn Hoài (Tiền phong)

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2019

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2019

Trong tháng 9/2019, nhiều chính sách mới có hiệu lực, tiêu biểu như: Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm…