Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5, tạp chí Phụ nữ Mới đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Địa lý Vũ Thị Thu Lan, phó trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ Năm 2014, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam được chính thức công nhận là ngày 18.5 hàng năm. Giới khoa học vui mừng có một ngày riêng. Đất nước có rất nhiều ngày kỷ niệm như Nhà giáo Việt Nam, ngày Báo chí, ngày Thầy thuốc Việt Nam..., đến cách đây 3 năm mới có ngày dành cho giới khoa học, mặc dù khoa học công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu. Bao nhiêu năm nay, những nhà khoa học, trong đó có một đội ngũ rất lớn các nhà khoa học nữ, vẫn âm thầm đóng góp cho cộng đồng, xã hội và đất nước.

Phóng viên (PV): Trong dịp khai trương “Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và khởi nghiệp” của Hội Nữ trí thức Việt Nam (Hội NTT VN), chúng tôi đã rất ấn tượng với gian trưng bày của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (Viện HLKH&CN VN), dù chỉ mới giới thiệu một phần nhỏ những việc mà những nhà khoa học nữ trong lĩnh vực nghiên cứu cũng triển khai ứng dụng đã làm trong thời gian gần đây. Chị có thể cho biết thêm đôi nét về đội ngũ các nhà khoa học nữ trong Viện HLKH&CNVN không?

Triển lãm là cơ hội giới thiệu các sản phẩm mới được nghiên cứu, là nơi để các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, hợp tác, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Triển lãm là cơ hội giới thiệu các sản phẩm mới được nghiên cứu, là nơi để các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, hợp tác, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

- TS.Vũ Thị Thu Lan (VTTL): Trong những năm qua, Viện HLKH&CN VN - cơ quan nghiên cứu khoa học Tự nhiên hàng đầu của đất nước, đã đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được trong nước và quốc tế ghi nhận. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ nữ. Trong tổng số 2.622 cán bộ biên chế của Viện có 933 cán bộ nữ, trong số đó có 12 chị tham gia lãnh đạo cấp vụ, viện thuộc các đơn vị trực thuộc; 52/296 chị là chi ủy viên các chi bộ và đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Viện HLKH&CNVN (chiếm 17,57%), 02 chị là đảng ủy viên Đảng bộ Viện; 10 chị tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Viện (chiếm 47,62%), 06 chị tham gia BCH Đoàn Thanh niên Viện (chiếm 28,6%).

Lực lượng cán bộ khoa học nữ có trình độ cao luôn là thế mạnh của Viện, có 34/159 Phó Giáo sư (chiếm 21,38%), 234/808 Tiến sĩ (chiếm 28,96), 02/32Tiến sỹ khoa học (chiếm 6,25%), 386/905 Thạc sĩ (chiếm 42,65%), đại học 294/597 (chiếm 49,25%) và 24/86 trình độ khác. Các cán bộ nữ tham gia hầu hết các nhiệm vụ KH&CN của Viện Hàn lâm từ các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, ngoài hiện trường đến các ứng dụng từ các nghiên cứu cơ bản thành các sản phẩm thực tiễn yêu cầu. Sự tích cực của các chị em được thể hiện trong vai trò khác nhau từ Chủ nhiệm đề tài, thư ký, cán bộ thực hiện chính và rất nhiều các công việc thầm lặng khác để nhiệm vụ KH&CN thành công và đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của Liên hiệp Hội LHPN Việt Nam.

Hiện nay, các nghiên cứu nổi bật của cán bộ nữ có đầy đủ ở mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Viện Hàn lâm đang thực hiện: Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa, PGS.TS Trần Kim Anh, PGS.TS Vũ Thị Bích, PGS.TS Phạm Thu Nga, PGS.TS Trần Hồng Nhung, PGS.TS Nguyễn Phương Tùng, PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Hà… Trong lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ thông tin có PGS.TS Lương Chi Mai… Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ như PGS.TS Lê Mai Hương, TS Hà Phương Thư.

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

 Giới thiệu sản phẩm tại triển lãm của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ

Trong những sản phẩm được trưng bày, có những sản phẩm rất thiết thực, gần gũi với đời sống.  Như chiếc khẩu trang hay lọ thuốc ho; cũng có những sản phẩm cần thiết với bà con nông dân như thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ đa vi lượng, những ứng dụng rất kịp thời và cần thiết… Xin chị nói đôi nét về mục đích những đề tài nghiên cứu và ứng dụng mà các chị hướng tới?

- Là người phụ nữ ở lĩnh vực nào chúng tôi cũng mong muốn góp sức mình trong phát triển hướng nghiên cứu chuyên sâu của ngành khoa học mà mình theo đuổi. Với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc, khoa học và công nghệ đã trở thành động lực phát triển của đất nước. Vì vậy chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ các kết quả nghiên cứu của mình. Bằng kiến thức của khoa học cơ bản, chúng tôi hướng đến những sản phẩm cần thiết cho xã hội gắn với cuộc sống thường nhật nhằm giảm bớt những vất vả của bản thân và gia đình.

Vì vậy, chị có thể thấy mọi sản phẩm của phụ nữ hướng đến nhu cầu thiết yếu của người dân từ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường sống trong lành… nhằm giảm thiểu tình trạng suy giảm sức đề kháng của con người, phòng ngừa ung thư bao gồm từ các thực phẩm chức năng tăng cường hệ miễn dịch (công nghệ Nano, CumarGold Kare, Đông trùng Hạ thảo, bảo vệ gan, tiểu đường…) đến các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Nhưng nhiều nhất vẫn là các sản phẩm hướng đến ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, màng lọc...

Tóm lại, mục tiêu của chúng tôi là tăng cường đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tế cuộc sống góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đồng thời nâng cao thu nhập cho các nhà khoa học, trau dồi kinh nghiệm và tạo động lực, sáng tạo mới trong hoạt động KH&CN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm quan sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Lâm Hiển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm quan sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Lâm Hiển.

Chúng ta đều biết, nữ trí thức nói chung, những phụ nữ làm nghiên cứu khoa học nói riêng  đòi hỏi sự tận tâm, cống hiến rất nhiều. Đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học nữ ở Viện HLKH&CN VN thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn gì và các chị đã khắc phục những khó khăn ấy ra sao? Không chỉ vấn đề thời gian, tài chính hay gia đình, mà cả những việc phải đối đầu với tình trạng nghiên cứu khoa học giả mạo hay chật vật trong triển khai ứng dụng, hoặc phổ biến đề tài?

- Công tác nghiên cứu khoa học là công việc khó, không gian làm việc bó hẹp, ít tiếp xúc giao lưu, công việc vất vả đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, thêm vào đó là công việc nhà, nuôi dạy con. Mặt khác, ở một số lĩnh vực nghiên cứu, phụ nữ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nên cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân. Vì vậy tỷ lệ cán bộ nữ có học hàm, học vị cao chưa tương xứng với các cống hiến mà các chị đem lại.  

Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng rằng, với năng lực, ý chí, niềm đam mê và sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp, lãnh đạo, phụ nữ vẫn có thể vượt qua được tất cả những khó khăn để có thể cống hiến hết mình vì sự nghiệp khoa học.

Làm sao để người dân tiếp cận được nhiều với những lợi ích mà các công trình nghiên cứu và ứng dụng mà các chị đang làm?

- Hiện nay, các hoạt động truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao nhận biết của xã hội về các sản phẩm KH&CN, sẵn sàng chuyển giao và các tiềm năng cùng hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ của Viện Hàn lâm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì thế người dân chưa biết đến những thành tựu, những công trình của các nhà khoa học. Chúng ta chưa có kết nối chặt chẽ giữa “cung” và “cầu”. Tôi cho rằng cần đẩy mạnh vai trò của “thị trường Khoa học và Công nghệ” trong việc kết nối cung và cầu thông qua truyền thông. Lâu nay chúng ta chỉ mới nói đến vai trò của 4 nhà là “nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng”. Điều này dẫn đến tình trạng là nhiều người có kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị, tính ứng dụng cao nhưng lại chưa biết cách truyền thông để “cung gặp cầu”, nên nhiều công trình nghiệm thu xong là “cất ngăn kéo”. Nhiều đơn vị nhiều doanh nghiệp rất cần các tiến bộ khoa học để ứng dụng trong cuộc sống nhưng lại không biết tìm kiếm ở đâu. Đã đến lúc cần đẩy mạnh vai trò của truyền thông trong khoa học thông qua báo chí và truyền hình.

Theo tôi, để người dân tiếp cận được những lợi ích mà các công trình nghiên cứu mang lại cần thực hiện tốt sự liên kết giữa 5 nhà: “Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo và người dân”

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

An Nhiên

Giảm cân dễ dàng hơn nhờ kết hợp khoa học các loại thực phẩm

Giảm cân dễ dàng hơn nhờ kết hợp khoa học các loại thực phẩm

Nếu muốn giảm cân nhanh, bạn có thể kết hợp các loại thực phẩm với nhau.