Thiệt hại của người ngoại tình dưới góc độ pháp lí

Hiện nay, chuyện vợ/chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn không phải là hiếm gặp. Vậy khi ly hôn, người ngoại tình gặp bất lợi như thế nào về mặt pháp lí?

Khi các vụ việc ngoại tình bị phanh phui, người ta thường hay bàn tán dưới khía cạnh xã hội nhiều hơn là đề cập đến hậu quả của việc ngoại tình dưới góc độ pháp lí. Ai đã và đang có ý định “ngoại tình” cần đọc ngay nội dung dưới đây.

Ly hôn vì ngoại tình, nỗi đau không của riêng ai.
Ly hôn vì ngoại tình, nỗi đau không của riêng ai.

1. Gặp bất lợi khi chia tài sản trong quá trình ly hôn

Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố “Lỗi” để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.

“Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.        

(Điểm d Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016).

Như vậy, rõ ràng người nào có hành vi “ngoại tình” thì người đó sẽ gặp bất lợi khi phân chia tài sản chung.

2. Gặp bất lợi khi giành quyền nuôi con

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ sau khi ly hôn nếu không thỏa thuận được về quyền nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Như vậy, nếu trường hợp một trong hai bên (bố hoặc mẹ) ngoại tình thì đây có thể được xem là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét việc không giao quyền nuôi con cho bên có lỗi.

Ví dụ: Khi Thẩm phán phân xử về quyền nuôi con, có bằng chứng cho thấy người bố vì ngoại tình mà bỏ bê con cái, thường xuyên vắng nhà, không quan tâm đến con... thì đây có thể là một căn cứ để xem xét không giao quyền nuôi con cho người bố.

Người ngoại tình khó có khả năng giành được quyền nuôi con.
Người ngoại tình khó có khả năng giành được quyền nuôi con.

3. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự 2015 nêu rõ:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Lưu ý: Không phải cứ đi “ngoại tình” rồi dẫn đến ly hôn là sẽ bị phạt tù. Pháp luật quy định chỉ phạt tù những người đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc ngược lại, có hành vi “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” với người khác và những hành vi này đã gây ra một trong các hậu quả quy định tại Điều 182 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khái niệm “Chung sống như vợ, chồng” được định nghĩa như sau:

3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS) - Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC

3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Người ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Phạt vi phạm hành chính

Nếu hành vi “ngoại tình” chưa đến mức bị xử lý trách nhiệm hình sự thì tùy vào mức độ mà có thể bị phạt ở các mức sau đây (Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013):

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

+ Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

5.  Có thể bị khai trừ Đảng nếu là đảng viên

Đảng viên có hành vi “ngoại tình” được xác định là “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng” thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo quy định tại Quy định 102-QĐ/TW năm 2017:

Điều 24. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình:

...

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

AN LY (t/h)

Phân chia tài sản trước hôn nhân như thế nào?

Phân chia tài sản trước hôn nhân như thế nào?

Chị gái tôi sau những mâu thuẫn không thể hàn gắn với chồng, đã quyết định ly hôn. Nhưng ngôi nhà của chị gái tôi liệu có bị phân chia không?