12 trung tâm hồi sức tích được thành lập

Bệnh viện Bạch Mai sẽ thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 1.000 giường, các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM có 3.000 giường.

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. 

Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 - 1.000 giường); 6 bệnh viện: Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh nhiệt đới T.Ư, Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), T.Ư Huế, T.Ư Quân đội 108, Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện: Chợ Rẫy, Phổi T.Ư, Đa khoa T.Ư Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Đại học Y Dược TPHCM: 300 giường. Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Ảnh: Vân Sơn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Ảnh: Vân Sơn

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn. Bệnh viện T.Ư Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ phối hợp.

Cchỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ê kíp gây mê hồi sức của bệnh viện đã vào TPHCM từ chiều 28/7. Bên cạnh đó bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Việt Đức để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. 

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khỏe người dân”.

Bộ Y tế ề nghị tất cả các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung và tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện.

Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phải có trách nhiệm làm việc chặt chẽ với những đơn vị cung ứng để cung cấp đủ ô xy cho tất cả các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức COVID-19. Ông nhấn mạnh: “Không được phép để thiếu ô xy trong công tác điều trị”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có 10 đơn vị đang cung ứng ô xy y tế cho các bệnh viện. 

Vụ trang thiết bị công trình Bộ Y tế cùng các chuyên gia sẽ tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai cung ứng. Vụ đã làm việc với các nhà cung ứng và yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch. Một số đơn vị sản xuất đặc thù cũng sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất ô xy, khí nén khi cần.

Thanh Mai