Gần đây, có một clip được lan truyền ở Trung Quốc khiến nhiều cha mẹ không khỏi chạnh lòng: Một người mẹ đã gọi cảnh sát và nói rằng cô đang bị ngược đãi tại nhà. Khi cảnh sát ập đến hiện trường, họ đã nhìn thấy cảnh tượng ngôi nhà ngổn ngang những mảnh vở bài tập về nhà và những cuốn sách giáo khoa. Người mẹ thấy cảnh sát đến liền mắng con trai té tát, yêu cầu con nói lại những gì vừa nói, nếu không sẽ để cảnh sát đưa đi. Đứa con cũng không kém cạnh, nhìn mẹ như kẻ thù, nói rằng thà cứ bị bắt đi cũng không bao giờ muốn gặp lại mẹ nữa.
Điều gì đã xảy ra khiến hai mẹ con phải căng thẳng như vậy? Thực ra chỉ vì một chuyện nhỏ. Hôm nay cậu con trai làm bài tập hơi chậm, bà mẹ nhiều lần khuyên nhủ không hiệu quả nên tát vào mặt con. Khác với thường lệ, lần này cậu con trai không im lặng mà chống cự quyết liệt, đẩy mẹ và xé vở bài tập.
Ảnh minh họa |
Đối với các bậc cha mẹ, điều đáng sợ nhất là đứa con mà họ đã dày công nuôi dạy lại quay lưng lại với họ. Có 4 kiểu cha mẹ dễ nuôi dưỡng con cái thành kẻ thù trong cuộc sống, phụ huynh cần lưu tâm:
1. Cha mẹ mất bình tĩnh
Để biết một đứa trẻ có mối quan hệ tốt với gia đình hay không, bạn có thể nhìn vào tính cách của cha mẹ. Cảm xúc của cha mẹ chính là "phong thủy" tốt nhất cho một gia đình.
Nhiều phụ huynh có tâm trạng không tốt, xuất phát từ áp lực, sự bất mãn trong cuộc sống. Sau khi trở về nhà, họ trút hết những bất bình, oán giận lên con cái. Cũng có một số bậc cha mẹ giáo dục con với niềm tin "thầy nghiêm khắc tạo ra trò tốt" và để tạo nên ý chí kiên cường. Họ đâu biết rằng nếu con cái luôn bị quản lý hà khắc sẽ dẫn tới chán nản hoặc là bốc đồng, cực đoan, hoàn toàn khác với ý định ban đầu của cha mẹ.
Quả thực, không ai là hoàn hảo, ai cũng có lúc không thể kìm nén hoàn toàn cảm xúc của mình. Nhưng chúng ta phải biết rằng việc giáo dục trẻ không phải là việc có thể làm được trong một sớm một chiều mà nó thấm sâu vào từng ngày. Hầu hết các chi tiết hàng ngày của cuộc sống, từng lời nói việc làm của bạn đều có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời con.
Đúng là bạn cảm thấy thoải mái về thể chất và tinh thần khi trút bỏ những cảm xúc tiêu cực, nhưng sau đó thì sao? Khoảng cách giữa con và bạn ngày càng sâu hơn, điều này không những không giúp giải quyết được vấn đề mà còn khiến bạn phải dọn dẹp một mớ hỗn độn lớn hơn.
Vì vậy, thay vì tỏ vẻ trịch thượng và ra lệnh cho con cái, tốt hơn hết bạn nên suy nghĩ kỹ làm thế nào để giao tiếp tốt với con và giải quyết những vấn đề hiện tại. Khi tức giận hãy ra ngoài 5 phút. Đợi tâm trạng của bố mẹ và đứa trẻ ổn định lại, hãy quay lại nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng. Lúc này, trẻ đã dễ nghe lời mẹ hơn, dễ đạt được sự đồng thuận.
Nhiều người nói rằng họ cảm thấy không thể thay đổi tính khí thất thường của mình, sở dĩ như vậy là do bạn đã đặt trước những gợi ý tâm lý cho bản thân, nghĩ rằng "mình không thể thay đổi được". Hãy cố gắng nỗ lực, bạn sẽ thấy rằng việc kiểm soát cảm xúc không khó như mình nghĩ.
2. Chiều chuộng vô lối, bao che bất chấp
Việc cha mẹ yêu thương con cái là điều đương nhiên, nhưng sai lầm lớn nhất là tình thương không đong đếm được cho dù con có sai, họ vẫn chọn cách bao che thay vì sửa dạy. Họ không đành lòng để con trải qua những khó khăn của cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ, và cũng không biết từ chối đúng lúc, cuối cùng, con cái họ sẽ phải sống vất vả và phải phụ thuộc cả đời.
Khi cha mẹ không thể chịu nổi những ham muốn và đòi hỏi ngày càng tăng của con cái, họ sẽ cảm thấy bất mãn và bực bội, mối quan hệ hai bên sẽ thay đổi. Bao nhiêu tình yêu thương giữa họ trước đây giờ đây sẽ tràn ngập hận thù.
Xin hãy nhớ rằng tình yêu thương tốt nhất mà cha mẹ dành cho con cái không bao giờ là sự cho đi vô điều kiện mà là sự từ chối thích hợp, phê bình thích đáng và khen ngợi kịp thời. Đó là cách giáo dục để hướng dẫn con hình thành nhân cách đúng đắn.
3. Thuyết giáo đạo lý
Quá trình trưởng thành của trẻ trên thế giới là sự tự khám phá và trải nghiệm, điều này sẽ dần dần cho phép bản thân hình thành những hiểu biết khác về cuộc sống. Nếu cha mẹ luôn giảng dạy theo quan điểm riêng của mình thì sẽ chỉ phản tác dụng và khiến tâm lý trẻ nổi loạn.
Sau 12 tuổi, năng lực tư duy trừu tượng của một người mới chính thức phát triển, lúc này mới dần dần "tiến hóa" thành con người hiện tại. Mà tất cả những đạo lý thì đều là trừu tượng, đều là sự khái quát, thăng hoa và tổng kết của những điều cụ thể. Vì vậy, khi bạn nói những đạo lý trừu tượng với một đứa trẻ chưa có năng lực tư duy trừu tượng cụ thể, nó chẳng khác nào đàn gảy tai trâu. Cũng có nghĩa là, với những đứa trẻ chưa phát triển hoàn thiện năng lực tư duy trừu tượng, khi ba mẹ nói đạo lý, chúng có khả năng không hiểu những gì ba mẹ đang nói.
Người lớn vì sao lại thích nói đạo lý với con cái? Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu, vẫn là vì chúng ta lười. Nói thì đơn giản, có miệng là nói được. Nhưng chúng ta lại xem nhẹ một thực tế: Nói thì dễ, làm mới khó. Để thực sự cho trẻ hiểu cách làm một việc gì đó, cha mẹ cần tự làm và hướng dẫn trẻ bằng các hành động. Ngay cả khi bạn nói với con mình 100 lần cũng không hiệu quả hơn việc để chúng tự trải qua thất bại và rút ra bài học.
Có một câu nói như này: Những lý luận trống rỗng sẽ không bao giờ có thể chạm đến trái tim của một đứa trẻ. Một sự giáo dục tốt cần có hành động từ chính cha mẹ. Nếu chỉ biết nói, rõ ràng sẽ không đủ sức thuyết phục, chỉ cần bản thân bạn làm tốt điều đó, bạn tự nhiên sẽ hình thành nên một môi trường tạo ra ảnh hưởng tốt đến con.
Để thực sự cho trẻ hiểu cách làm một việc gì đó, cha mẹ cần tự làm và hướng dẫn trẻ bằng các hành động.
4. Chê bai, phủ nhận
Là cha mẹ, bạn có thể nghĩ rằng khen ngợi con quá nhiều sẽ khiến chúng tự cao. Nếu bạn chê bai nhiều hơn, điều đó sẽ làm tăng khả năng chịu đựng căng thẳng của chúng.
Nhà tâm lý học Susan Forward viết: "Những tác hại do cha mẹ gây ra không chỉ ở hiện tại mà sẽ tồn tại theo năm tháng, như một mũi kim đâm sâu vào lòng con cái". Việc cha mẹ chê bai, phủ nhận lâu dài sẽ chỉ mang đến cho con những áp lực tinh thần và gánh nặng tâm lý vô tận.
Vì vậy, đừng keo kiệt với những lời khen ngợi và động viên. Một ánh mắt khẳng định dành cho con chính là sự cảm kích và lời chúc phúc đẹp đẽ nhất.
Bản năng của cha mẹ là yêu thương con cái nhưng nhiều khi họ dùng quá nhiều sức lực hoặc sai hướng. Con cái đang lớn lên và cha mẹ cũng phải trưởng thành. Có thể không có cha mẹ hoàn hảo, nhưng bạn phải trở thành bậc cha mẹ biết sửa sai và hoàn thiện mình.
Đừng quên rằng giáo dục trẻ là một quá trình hai chiều, tính cách, thói quen của mỗi trẻ là khác nhau và đặc điểm thể chất, tinh thần của trẻ ở các độ tuổi khác nhau cũng khác nhau. Vì vậy, cha mẹ không thể áp dụng một loạt phương pháp giáo dục mà họ cho rằng sẽ có tác dụng để quản lý con mình. Ngược lại phải liên tục điều chỉnh, thích ứng với những thay đổi của con.
Một bức ảnh cha dạy con gây bão mạng xã hội: Không đánh mắng, sao khiến nhiều người đau lòng đến thế này?
Bạn có đồng ý với cách người cha này giáo dục con không?